14: Ghép thận

Thông tin trước ghép

Ghép thận là kết quả của sự tiến bộ to lớn trong khoa học y học.

Ghép thận là phương pháp điều trị được ưa chọn cho bệnh thận giai đoạn cuối. Ghép thận thành công có thể mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn và tuổi thọ dài hơn so với lọc máu. Đời sống sau khi ghép thận thành công hầu như bình thường. Ghép thận được bàn luận trong bốn phần:

1. Thông tin trước ghép

2. Phẫu thuật ghép

3. Chăm sóc sau ghép

4. Ghép thận từ người hiến khi chết

Thông tin trước ghép

Ghép thận là gì?

Ghép thận là một can thiệp phẫu thuật trong đó một quả thận khỏe mạnh (từ người hiến còn sống hoặc người hiến khi chết) được đặt vào cơ thể của người bị bệnh thận giai đoạn cuối (người nhận).

Khi nào cần phải ghép thận?

Ghép thận cần thiết cho những bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối đang phải lọc máu (chạy TNT hay LMB) hoặc những người có bệnh thận mạn tiến triển đến sát giai đoạn cuối nhưng chưa phải lọc máu (ghép thận đón đầu).

Khi nào không cần ghép thận nếu bị suy thận?

Một bệnh nhân bị tổn thương thận cấp không nên ghép thận. Ghép thận cũng không được thực hiện cho những người chỉ bị suy một quả thận và quả thận kia vẫn còn chức năng. Chỉ tiến hành ghép khi suy thận không thể hồi phục được.

Phát hiện ra việc ghép thận đã mang lại may mắn cho bệnh nhân suy thận mạn tính.

Tại sao cần ghép thận ở bệnh thận giai đoạn cuối?

Lọc máu thay thế một phần chức năng lọc các chất thải của thận. Các chức năng khác của thận không được hoàn thành, trong khi đó một số chức năng này được thực hiện tốt hơn nhờ ghép thận. Do đó, ghép thận, khi có người hiến phù hợp và không có chống chỉ định, là lựa chọn điều trị tốt nhất giúp phục hồi hoàn toàn chức năng thận ở bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Do ghép thận cứu sống và cho phép người bệnh được hưởng một cuộc sống gần như bình thường, nó được xem như là “Món quà cuộc sống”.

Những ưu điểm của ghép thận là gì?

Lợi ích chính của ghép thận thành công là:

  • Mức độ thay thế chức năng thận tốt hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn: Bệnh nhân có thể có cuộc sống tích cực và gần như bình thường với nhiều năng lượng hơn, thể lực ổn định và khả năng lao động tốt hơn.
  • Thoát khỏi việc lọc máu: Bệnh nhân tránh được những biến chứng, chi phí điều trị, mất thời gian và bất tiện của việc điều trị lọc máu.
  • Kỳ vọng sống lâu hơn: Bệnh nhân ghép thận có kỳ vọng sống lâu hơn những bệnh nhân phải lọc máu với nhiều nguy cơ.
  • Chế độ ăn và nước uống ít phải hạn chế hơn
  • Giá thành-Hiệu quả: Mặc dù chi phí ban đầu của ghép thận có thể cao, chi phí điều trị giảm dần ở năm thứ hai đến năm thứ ba sau ghép, và sau đó chi phí điều trị thường thấp hơn so với chi phí cho lọc máu chu kỳ.
  • Đã có báo cáo về sự cải thiện đời sống tình dục và tăng khả năng làm bố ở nam giới và mang thai ở nữ giới.
Ghép thận thành công là lựa chọn điều trị tốt nhất cho bệnh thận mạn giai đoạn cuối vì nó mang lại cuộc sống gần như bình thường

Những nhược điểm của ghép thận là gì?

Ghép thận mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có những bất lợi. Đó là:

  • Nguy cơ của đại phẫu. Ghép thận là một cuộc đại phẫu thuật với gây mê toàn thân, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cả trong và sau phẫu thuật.
  • Nguy cơ thải ghép. Không thể đảm bảo 100% rằng cơ thể sẽ chấp nhận quả thận ghép. Nhưng nhờ có các thuốc ức chế miễn dịch mới và tốt hơn, thải ghép ít xảy ra hơn so với trước kia.
  • Duy trì thuốc thường xuyên. Bệnh nhân ghép thận sẽ cần uống thuốc ức chế miễn dịch thường xuyên và kéo dài suốt thời gian thận ghép còn hoạt động. Ngừng, bỏ quên hoặc không uống đủ liều thuốc ức chế miễn dịch gây nguy cơ hỏng thận ghép do thải ghép.
  • Nguy cơ liên quan đến các thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc ức chế đáp ứng miễn dịch và chống thải ghép có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng. Chăm sóc tránh nhiễm trùng và sàng lọc để phát hiện một số loại ung thư là một phần trong quá trình chăm sóc sau ghép. Có những tác dụng không mong muốn của thuốc như gây tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và tăng đường máu.
  • Căng thẳng. Sự chờ đợi để có thận hiến trước ghép, không chắc chắn ghép thận thành công (thận ghép có thể hỏng) và sợ bị mất chức năng của thận mới ghép sau ghép là rất căng thẳng.
  • Chi phí ban đầu cao
Ghép thận không được thực hiện cho bệnh nhân bệnh thận mạn bị AIDS, ung thư và các bệnh lý nghiêm trọng khác.

Chống chỉ định của ghép thận là gì?

Ghép thận không được khuyến cáo nếu bệnh nhân đang bị:

  • Nhiễm trùng thể hoạt động mức độ nặng
  • Bệnh ác tính tiến triển hoặc không được điều trị
  • Rối loạn tâm lý nặng hoặc chậm phát triển trí tuệ
  • Bệnh động mạch vành không ổn định
  • Suy tim xung huyết kháng trị
  • Kháng thể chống lại thận người hiến
  • Những bệnh lý nội khoa nặng khác

Giới hạn tuổi cho người nhận thận là bao nhiêu?

Mặc dù không có tiêu chuẩn cố định cho độ tuổi của người nhận thận ghép, thông thường ghép thận được chỉ định cho những bệnh nhân từ 5 đến 65 tuổi.

Có thể ghép thận từ những nguồn thận nào?

Có ba nguồn thận để ghép:

  • Người hiến đang sống cùng huyết thống: người thân ruột thịt của người nhận có quan hệ huyết thống đến đời thứ 4.
  • Người hiến đang sống không cùng huyết thống: như bạn bè, vợ chồng hoặc người thân.
  • Người hiến khi chết: từ những bệnh nhân chết não hoặc vừa ngừng tim.

Ai là người hiến thận lí tưởng?

Người sinh đôi cùng trứng là người hiến thận lí tưởng với cơ hội tồn tại tốt nhất sau ghép.

Thận được nhận từ các thành viên trong gia đình cho kết quả ghép thận thành công cao nhất.

Ai có thể hiến thận?

Một người khỏe mạnh với hai quả thận có thể hiến tặng một quả thận khi có nhóm máu, týp mô và phản ứng đọ chéo mô hòa hợp với người nhận. Nhìn chung, người hiến cần ở độ tuổi từ 18 đến 65 tuổi.

Nhóm máu xác định việc lựa chọn người hiến thận như thế nào?

Hòa hợp nhóm máu rất quan trọng đối với ghép thận. Người nhận và người hiến phải cùng nhóm máu hoặc có các nhóm máu hòa hợp theo nguyên tắc truyền máu. Cũng tương tự như trong truyền máu, người hiến có nhóm máu O được coi là người hiến “phổ cập”. (xem bảng dưới đây)

Nhómmáungườinhận Nhómmáungườihiến
O O
A A hay O
B B hay O
AB AB,A, B hay O

Ai không thể hiến thận được?

Người hiến thận khi còn sống phải được đánh giá kỹ càng tình trạng sức khỏe về thể chất và tinh thần để đảm bảo được an toàn khi hiến thận. Một người không thể hiến thận được nếu người đó bị đái tháo đường, ung thư, HIV, bệnh thận, tăng huyết áp hoặc bất kỳ bệnh lý nặng nào khác về thể chất và tinh thần.

Những nguy cơ tiềm ẩn đối với người hiến thận khi còn sống là gì?

Một người hiến tiềm năng được đánh giá rất cẩn thận để đảm bảo rằng việc hiến thận là an toàn. Với một quả thận đơn độc còn lại, hầu hết người hiến có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Sau khi hiến thận đời sống tình dục nói chung không bị ảnh hưởng. Phụ nữ vẫn có thể có con và nam giới có thể làm bố. Những nguy cơ tiềm ẩn của phẫu thuật lấy thận cũng giống như trong bất kì cuộc đại phẫu nào khác. Nguy cơ mắc bệnh thận ở những người hiến thận nói chung không cao hơn đáng kể khi họ chỉ còn một thận.

Hiến thận là an toàn và cứu sống bệnh nhân mắc bệnh thận mạn.

Hiến thận đổi cặp & ghép thận đón đầu

Hiến thận đổi cặp là gì?

Ghép thận từ người hiến khi còn sống có một số ưu điểm hơn so với việc ghép thận từ người hiến khi chết hoặc lọc máu. Nhiều bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối có người có thể hiến khỏe mạnh và sẵn sàng hiến thận, nhưng gặp khó khăn là nhóm máu không phù hợp hoặc phản ứng đọ chéo không hòa hợp. Hiến thận đổi cặp (còn được gọi là “đổi thận từ người hiến khi sống”, “trao đổi người hiến”, hoặc “ trao đổi thận”) là chiến lược cho phép trao đổi thận từ người hiến khi sống giữa hai cặp người hiến/người nhận không hòa hợp để tạo ra hai cặp hòa hợp. Điều này có thể thực hiện được nếu người hiến thứ hai hòa hợp với người nhận thứ nhất, và người hiến thứ nhất hòa hợp với người nhận thứ hai (như trên). Bằng việc trao đổi thận hiến giữa hai cặp không hòa hợp, hai ca ghép hòa hợp có thể được thực hiện.

Phẫu thuật ghép

Ghép thận đón đầu là gì?

Ghép thận thường được thực hiện sau khi bệnh nhân đã lọc máu được một thời gian. Ghép thận cũng có thể được tiến hành trước khi bắt đầu lọc máu chu kỳ khi chức năng thận còn dưới 20 ml/phút. Trường hợp này được gọi là ghép thận đón đầu.

Ghép thận đón đầu được xem là lựa chọn tốt nhất của điều trị thay thế thận cho những bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối có tình trạng sức khỏe phù hợp, vì nhờ đó mà bệnh nhân tránh được các nguy cơ, chi phí, và sự bất tiện của lọc máu, đồng thời ghép thận đón đầu còn mang lại kết quả ghép tốt hơn so với ghép thận sau khi đã bắt đầu lọc máu. Do những lợi ích của nó, ghép thận đón đầu rất được khuyến cáo cho bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối, nếu có sẵn người hiến phù hợp.

Phẫu thuật ghép

Thận được ghép như thế nào?

  • Trước phẫu thuật, việc đánh giá về sức khỏe, tinh thần và các vấn đề xã hội được tiến hành để đảm bảo sự phù hợp và an toàn của cả người nhận và người hiến (trong trường hợp ghép thận từ người hiến khi sống). Các xét nghiệm và thăm dò cũng giúp đánh giá sự hòa hợp về nhóm máu, HLA và mô.
  • Urine Formation
  • Ghép thận là công việc của một đội ngũ bác sĩ chuyên khoa thận, phẫu thuật viên ghép, chuyên gia mô bệnh học, bác sĩ gây mê và chuyên khoa hỗ trợ (bác sĩ tim mạch, bác sĩ nội tiết,…) và đội ngũ y tá điều dưỡng cũng như các điều phối viên ghép tạng.
  • Sau khi nghe giải thích kĩ lưỡng về quy trình, thủ tục, nguy cơ và đọc kỹ biên bản chấp thuận, cả người nhận và người hiến (trong trường hợp hiến thận từ người hiến khi sống) ký giấy cam đoan.

  • Trong phẫu thuật ghép thận từ người hiến khi còn sống, cả người nhận và người hiến được phẫu thuật đồng thời.
  • Cuộc đại phẫu này kéo dài từ ba đến năm giờ và được thực hiện dưới gây mê toàn thân.
  • Trong phẫu thuật ghép thận người hiến khi còn sống, người ta thường lấy thận trái của người hiến qua mổ mở hoặc mổ nội soi.
  • Sau khi lấy thận, người ta rửa thận bằng một dung dịch lạnh đặc biệt và sau đó đặt thận vào hố chậu phải của người nhận.
  • Trong hầu hết các trường hợp, người ta không cắt bỏ thận bệnh cũ của người nhận.
  • Khi nguồn thận là từ người hiến khi còn sống, thận ghép thường bắt đầu hoạt động ngay lập tức. Tuy nhiên, khi nguồn thận là từ người hiến khi chết, thận ghép có thể cần một vài ngày hoặc vài tuần để bắt đầu hoạt động. Người nhận với quả thận ghép chậm có chức năng cần được lọc máu cho đến khi thận ghép có chức năng đầy đủ.
  • Sau khi ghép, bác sĩ chuyên khoa thận giám sát việc theo dõi và dùng thuốc của người nhận. Người hiến thận khi còn sống cũng cần được đánh giá và theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe nếu có.

Chăm sóc sau ghép & thuốc

Chăm sóc sau ghép

Những biến chứng có thể xảy ra sau ghép thận là gì?

Những biến chứng phổ biến có thể xảy ra sau ghép bao gồm thải ghép, nhiễm trùng, tác dụng phụ của thuốc và những biến chứng sau mổ. Những mối quan tâm chính khi chăm sóc sau ghép là:

  • Thuốc điều trị chống đào thải thận ghép
  • Các biện pháp phòng ngừa để giữ thận ghép khỏe mạnh và phòng ngừa nhiễm trùng.

Thuốc điều trị chống đào thải thận ghép Quản lý bệnh nhân sau phẫu thuật ghép thận khác với những phẫu thuật thường quy khác ra sao?

Trong hầu hết các trường hợp phẫu thuật thường quy, chỉ cần dùng thuốc điều trị và chăm sóc sau mổ khoảng 7-10 ngày. Nhưng sau ghép thận, bệnh nhân cần uống thuốc thường xuyên suốt đời và cần được chăm sóc rất kỹ càng.

Đào thải thận ghép là gì?

Hệ miễn dịch của cơ thể được thiết kế để nhận biết và phá hủy các protein và kháng nguyên lạ ví dụ các vi khuẩn, virus gây hại. Khi hệ miễn dịch của người nhận nhận ra thận ghép không phải là “của mình”, nó sẽ tấn công thận ghép và cố gắng phá hủy quả thận đó. Sự tấn công thận ghép của hàng rào bảo vệ cơ thể tự nhiên gọi là thải ghép. Thải ghép xảy ra khi cơ thể của người nhận không chấp nhận quả thận ghép.

Những biến chứng chính sau ghép là thải ghép, nhiễm trùng và tác dụng phụ của thuốc.

Khi nào xảy ra thải ghép và ảnh hưởng của nó là gì?

Thải ghép có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào sau ghép, phổ biến nhất là trong vòng 6 tháng đầu tiên. Mức độ của phản ứng thải ghép khác nhau ở các bệnh nhân khác nhau. Hầu hết các đợt thải ghép đều ở mức độ nhẹ và được kiểm soát khá dễ dàng bằng liệu pháp ức chế miễn dịch thích hợp. Tuy nhiên một số ít bệnh nhân bị thải ghép nặng và không đáp ứng với điều trị, dẫn đến phá hủy thận ghép sau đó.

Bệnh nhân phải uống các thuốc gì sau ghép để ngăn ngừa thải ghép?

  • Do cơ thể có hệ thống miễn dịch, luôn có nguy cơ thải ghép sau ghép thận.
  • Nếu hệ miễn dịch của cơ thể bị ức chế, nguy cơ thải ghép sẽ giảm. Tuy nhiên, bệnh nhân lại trở nên dễ bị nhiễm trùng gây nguy hiểm tính mạng.
  • Các loại thuốc đặc biệt được dùng cho bệnh nhân sau ghép thận để làm thay đổi một cách chọn lọc hệ miễn dịch và phòng ngừa thải ghép, nhưng chỉ làm ảnh hưởng tối thiểu tới khả năng chống lại nhiễm trùng của bệnh nhân. Những loại thuốc đặc biệt này được gọi là thuốc ức chế miễn dịch.

Hiện nay, các thuốc ức chế miễn dịch được sử rộng rãi nhất là tacrolimus/cyclosporine, mycophenolate mofetil (MMF), sirolimus/everolimus và prednisolone.

Sau ghép thận bệnh nhân cần duy trì thuốc ức chế miễn dịch trong bao lâu?

Các thuốc ức chế miễn dịch phải được uống suốt đời, cho đến khi mà thận ghép vẫn còn hoạt động. Giai đoạn ngay sau khi ghép, một số loại thuốc được dùng nhưng số lượng và liều lượng của chúng sẽ được giảm dần theo thời gian.

Sau ghép thận, sử dụng thuốc suốt đời là bắt buộc để phòng ngừa thải ghép.

Các thận trọng sau ghép thận

Bệnh nhân có cần dùng thêm thuốc gì khác sau khi ghép thận không?

Có. Sau khi ghép thận, ngoài các thuốc ức chế miễn dịch, các thuốc hạ áp, canxi, các thuốc điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng, thuốc chống loét dạ dày có thể được chỉ định.

Các tác dụng phụ phổ biến của thuốc ức chế miễn dịch là gì?

Các tác dụng phụ phổ biến của thuốc ức chế miễn dịch được tóm tắt trong bảng sau.

Thuốc Tácdụngphụthườnggặp
Prednisolone Tăngcân, tănghuyếtáp, kíchthíchđườngtiêuhóa, tăngcảmgiácngonmiệng,tăngnguycơđáitháođường, loãngxương, đụcthủytinhthể
Cyclosporine Tănghuyếtáp, run taynhẹ, rậmlôngtóc, phìđạilợi, tăngnguycơđáitháođường, tổnthươngthận
Azathioprine Ứcchếtủyxương, tăngnguycơnhiễmtrùng
MMF Đaubụng, buồnnôn, nônvàtiêuchảy
Tacrolimus Tănghuyếtáp, đáitháođường, run tay, đauđầu, tổnthươngthận
Sirolimus/ everolimus Tănghuyếtáp, giảmsốlượngtếbàomáu, tiêuchảy, trứngcá, đaukhớp, tăngcholesterol, triglyceride
Nếu thận ghép bị suy, bắt đầu lọc máu và ghép thận lần hai là hai lựa chọn điều trị.
Điều gì sẽ xảy ra nếu thận ghép bị suy?

Khi thận ghép bị suy, bệnh nhận có thể chọn hoặc ghép lại lần hai hoặc lọc máu.

Những thận trọng sau khi ghép thận

Ghép thận thành công mang lại một cuộc sống mới, bình thường, khỏe mạnh và độc lập. Tuy nhiên, người nhận phải có một lối sống kỷ luật và tuân theo những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ thận ghép và ngăn ngừa nhiễm trùng. Bệnh nhân phải tuân thủ và uống thuốc theo đơn thường xuyên và không ngắt quãng.

Hướng dẫn chung để duy trì thận ghép khỏe mạnh
  • Không bao giờ ngừng uống thuốc hay thay đổi liều thuốc. Hãy nhớ rằng việc uống thuốc không đều, thay đổi hoặc không liên tục là một số lý do phổ biến gây suy thận ghép.
  • Luôn giữ danh sách các thuốc và duy trì một số lượng dự phòng đầy đủ. Không uống bất kỳ loại thuốc được bán tự do hoặc thảo dược nào.
  • Theo dõi huyết áp, thể tích nước tiểu, cân nặng và đường máu hằng ngày (nếu được bác sĩ khuyến cáo)
  • Bắt buộc phải khám bác sĩ và làm xét nghiệm theo yêu cầu định kỳ.
  • Chỉ làm xét nghiệm ở những cơ sở có uy tín. Nếu thấy kết quả xét nghiệm không hợp lý, đừng đến xét nghiệm lại ở cơ sở khác mà hãy đến khám bác sĩ ngay.
  • Trong trường hợp cấp cứu, nếu phải khám một bác sĩ không biết rõ về bệnh của bạn, cần thông báo cho bác sĩ ấy biết rằng bạn là người được ghép thận và cho biết các thuốc bạn đang dùng.
  • Bạn ít bị hạn chế ăn uống hơn sau ghép. Cần ăn điều độ
Chìa khóa cho thành công ở giai đoạn sau ghép là sự điều độ, các biện pháp phòng ngừa và sự cẩn trọng.

Người bệnh cần có một chế độ ăn cân bằng với đầy đủ năng lượng và protein như được khuyến cáo. Nên ăn các thức ăn chứa ít muối, ít đường và ít chất béo, có nhiều chất xơ để tránh tăng cân.

  • Cần uống đủ nước để tránh thiếu nước. Bệnh nhân có thể cần uống trên ba lít nước mỗi ngày.
  • Tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng. Tránh các hoạt động thể lực nặng, quá sức và các môn thể thao nặng như đấm bốc, đá bóng.
  • Có thể bắt đầu lại sinh hoạt tình dục an toàn sau ghép khoảng hai tháng, sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Tránh hút thuốc và sử dụng các đồ uống có cồn.
  • Tránh những nơi đông người như rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm, phương tiện giao thông công cộng và những người có dấu hiệu bị nhiễm trùng.
  • Luôn đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng và những khu vực có nguy cơ cao như công trường, môi trường nhiều bụi bẩn, các khu vực khai quật, hang động, các cơ sở chăm sóc động vật, các trang trại, vườn hoa,v.v…
  • Luôn rửa tay với xà phòng và nước trước khi ăn, trước khi chuẩn bị và uống thuốc và sau khi đi vệ sinh.
  • Uống nước lọc đã đun sôi.
  • Ăn đồ ăn tươi sạch được nấu chín tại nhà đựng trong các đồ dùng sạch. Tránh ăn các thức ăn nấu ở bên ngoài, các đồ ăn sống, chưa được nấu chin kỹ. Tránh ăn các trái cây và rau sống trong 3 tháng đầu tiên sau ghép.
  • Duy trì vệ sinh nhà cửa phù hợp.
  • Chăm sóc răng miệng tốt bằng việc đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày.
  • Không bỏ qua bất kì vết cắt, trầy xước hoặc vết cào nào. Làm sạch ngay chúng với xà phòng và nước, băng lại bằng băng sạch.
Hỏi ý kiến bác sĩ ngay và điều trị ngay bất kì vấn đề nào mới xuất hiện hay bất thường là điều bắt buộc để bảo vệ thận.

Hỏi ý kiến hoặc gọi cho bác sĩ hoặc phòng khám ghép trong trường hợp:

  • Sốt trên 37o8 C và có các triệu chứng giống cúm như rét run, đau người, đau đầu dai dẳng.
  • Đau hoặc đỏ phía trên hoặc quanh vùng thận ghép.
  • Giảm lượng nước tiểu đáng kể, phù hoặc tăng cân nhanh (hơn 1 kg trong một ngày).
  • Đái máu hoặc đái buốt.
  • Ho, khó thở, nôn hoặc tiêu chảy.
  • Xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào mới hay bất thường.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ và điều trị ngay bất kỳ vấn đề mới xuất hiện hay bất thường nào là điều bắt buộc để bảo vệ thận.

Tại sao chỉ một số ít bệnh nhân suy thận được ghép thận?

Ghép thận là lựa chọn điều trị hiệu quả nhất và tốt nhất cho bệnh nhận bị bệnh thận giai đoạn cuối. Có một số lượng lớn bệnh nhân cần và mong ước được ghép thận. Có ba nguyên nhân cơ bản khiến ghép thận bị hạn chế.

1.Không có thận: Chỉ một số ít bệnh nhân đủ may mắn có được người hiến thận hoặc khi còn sống (cùng huyết thống hoặc không cùng huyết thống) hoặc sau khi chết. Vấn đề cơ bản là số lượng người hiến thận khi sống rất hạn chế và danh sách chờ ghép thận từ nguồn hiến khi chết rất dài.

2.Chi phí: Chi phí của phẫu thuật ghép và các thuốc dùng sau ghép suốt đời rất cao. Đây là rào cản chính cho một số lượng lớn bệnh nhân ở các nước đang phát triển.

3.Thiếu cơ sở vật chất: Ở nhiều nước đang phát triển, cơ sở vật chất phục vụ ghép thận không có sẵn và không dễ tiếp cận.

Sự khan hiếm người hiến thận là rào cản chính tước đi những lợi ích do ghép thận mang lại cho các bệnh nhân.

Ghép thận từ người hiến khi chết

Ghép thận từ người hiến khi chết

Ghép thận từ người hiến khi chết là gì?

Ghép thận từ người hiến khi chết là ghép một quả thận khỏe mạnh từ một người chết não hay ngừng tim cho một bệnh nhân bị bệnh thận mạn. Thận của người hiến khi chết lấy từ một người đã được tuyên bố là chết não hay mới ngừng tim, khi người hiến hay gia đình họ trước đó đã thể hiện nguyện vọng hiến tặng cơ quan khi chết.

Tại sao cần phải ghép thận từ người hiến khi chết?

Do thiếu hụt người hiến khi sống, nhiều bệnh nhân bị bệnh thận mạn mặc dù mong muốn được ghép thận nhưng phải duy trì lọc máu chu kỳ. Hy vọng duy nhất của những bệnh nhân này là được nhận một quả thận từ người hiến khi chết. Hành động nhân đạo cao quý nhất là cứu mạng sống của người khác sau khi mình chết đi bằng cách hiến tạng.Ghép thận từ người hiến khi chết cũng giúp loại bỏ nạn buôn bán tạng bất hợp pháp và là hình thức hiến thận có đạo đức nhất.

“Chết não” là gì?

“Chết não” là tình trạng não ngừng hoạt động hoàn toàn và không hồi phục dẫn đến tử vong. Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán “chết não” khi xem xét tình trạng của bệnh nhân nằm viện bị hôn mê mất ý thức phải thở máy hỗ trợ.

Tiêu chuẩn chẩn đoán chết não là:

1. Bệnh nhân phải ở trong tình trạng hôn mê và lý do hôn mê (ví dụ chấn thương sọ não, xuất huyết não,…) được khẳng định chắc chắn dựa vào bệnh sử, khám lâm sàng, xét nghiệm, và chẩn đoán hình ảnh hệ thần kinh. Cần lưu ý là có một số loại thuốc (ví dụ như thuốc an thần, thuốc chống co giật, giãn cơ, thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc mê), một số bệnh lý chuyển hóa hoặc nội tiết có thể dẫn đến tình trạng bất tỉnh giống chết não. Những nguyên nhân như vậy cần được loại trừ trước khi xác nhận chẩn đoán chết não. Bác sĩ phải điều chỉnh tình trạng tụt huyết áp, hạ thân nhiệt và thiếu oxy của cơ thể trước khi đánh giá chết não.

Trong tình trạng “chết não” tổn thương là không hồi phục và không còn cơ hội cải thiện với bất kỳ biện pháp điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa nào.

2. Bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu kéo dài mặc dù đã được các chuyên gia điều trị đúng cách trong một thời gian đầy đủ để "loại trừ khả năng hồi phục”.

3. Bệnh nhân không tự thở được mà phải thở máy hỗ trợ.

4. Hô hấp, huyết áp và tuần hoàn được duy trì nhờ máy thở và các thiết bị hỗ trợ sự sống khác.

Sự khác nhau giữa chết não và bất tỉnh là gì?

Một bệnh nhân bất tỉnh có thể cần hoặc không cần máy thở hỗ trợ và có nhiều khả năng hồi phục sau khi được điều trị đúng cách. Đối với bệnh nhân “chết não”, não bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục, và không mong đợi hồi phục được mặc dù áp dụng bất kỳ biện pháp điều trị nội khoa hay ngoại khoa nào. Ở bệnh nhân “chết não”, ngay khi ngừng máy thở, hô hấp ngừng và tim ngừng đập. Điều quan trọng cần nhớ là bệnh nhân đã chết một cách hợp pháp và việc tháo máy thở không phải là nguyên nhân gây tử vong. Bệnh nhân “chết não” không thể duy trì thở máy vô thời hạn, vì tim của họ sẽ ngừng đập tương đối sớm.

Có thể hiến thận sau chết không?

Không. Tử vong sau khi ngừng tim và hô hấp là không hồi phục và là vĩnh viễn. Giống như hiến giác mạc, sau khi chết, không thể hiến thận được nữa. Khi tim ngừng hoạt động, máu sẽ ngừng cấp cho thận, gây tổn thương nặng và không hồi phục ở thận, làm mất khả năng sử dụng quả thận đó để ghép.

Trong “chết não”, hô hấp và tuần hoàn của cơ thể được duy trì một cách nhân tạo sau tử vong.

Những nguyên nhân phổ biến gây “chết não” là gì?

Những nguyên nhân phổ biến gây chết não là chấn thương sọ não (như ngã hoặc tai nạn giao thông), xuất huyết nội sọ, nhồi máu não và u não.

“Chết não” được chẩn đoán khi nào và như thế nào? Ai là người chẩn đoán “chết não”?

Khi một bệnh nhân hôn mê sâu đã duy trì thở máy và các thiết bị hỗ trợ sự sống khác trong một khoảng thời gian thỏa đáng mà không biểu hiện bất kì sự cải thiện nào trên lâm sàng và thăm khám thần kinh, khả năng “chết não” được xem xét. Chẩn đoán chết não được một đội ngũ bác sĩ là những người không liên quan đến ghép thận quyết định. Đội ngũ này bao gồm bác sĩ điều trị, bác sĩ thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh, những người này sẽ tuyên bố “chết não” sau khi thăm khám bệnh nhân một cách độc lập,.

Thông qua việc thăm khám lâm sàng tỉ mỉ, các xét nghiệm khác nhau, thăm dò điện não đồ đặc biệt và các thăm dò khác, tất cả các khả năng hồi phục tổn thương não được khảo sát kỹ càng. Khi khẳng định là không còn bất kì cơ hội hồi phục nào, các bác sĩ sẽ đưa ra tuyên bố “chết não”.

Những chống chỉ định hiến thận từ một bệnh nhân “chết não” là gì?

Không chấp nhận hiến thận từ một người hiến chết não khi có các tình trạng bệnh lý sau:

1. Bệnh nhân bị nhiễm trùng đang hoạt động

2. Bệnh nhân nhiễm HIV, virus viêm gan B, C đang hoạt động.

3. Bệnh nhân bị tăng huyết áp kéo dài, đái tháo đường, bệnh thận hoặc có biểu hiện suy thận.

4. Bệnh nhân ung thư (trừ u não)

Một người hiến khi chết có thể cứu sống hai bệnh nhân bị bệnh thận mạn vì hiến cả hai quả thận.

Người hiến khi chết có thể hiến được những cơ quan nào khác?

Người hiến khi chết có thể hiến cả hai quả thận và cứu sống hai bệnh nhân. Ngoài thận, các cơ quan khác có thể hiến được là mắt, tim, gan, da, tụy,…

Đội ngũ ghép thận từ người hiến khi chết bao gồm những ai?

Để thực hiện ghép thận từ người hiến khi chết cần có một đội ngũ làm việc hợp lí. Đội ngũ này bao gồm:

  • Người thân của người hiến khi chết để ký chấp thuận hợp pháp.
  • Bác sĩ điều trị cho người hiến.
  • Điều phối viên ghép tạng từ người hiến khi chết, là người giải thích và giúp đỡ người thân của bệnh nhân hiến thận.
  • Bác sĩ thần kinh - người chẩn đoán chết não.
  • Bác sĩ chuyên khoa thận, tiết niệu, bác sĩ phẫu thuật ghép và đội ngũ ghép.

Ghép thận từ người hiến khi chết được thực hiện như thế nào?

Có những điểm rất quan trọng trong việc ghép thận từ người hiến khi chết.

  • Cần chẩn đoán đúng tình trạng chết não.
  • Cần xác định được thận hiến là đủ lành mạnh và người hiến không có bệnh hệ thống gây chống chỉ định hiến.
  • Cần có sự chấp thuận hiến của gia đình hay của người có quyền chấp thuận hợp pháp.
  • Người hiến được thở máy và các thiết bị hỗ trợ sự sống khác hỗ trợ để duy trì hô hấp, nhịp tim và huyết áp đến khi cả hai thận được lấy ra khỏi cơ thể. Sau khi lấy ra thận được rửa bằng một chất lỏng và được bảo quản trong nước đá. Một người hiến khi chết có thể hiến cả hai thận, do vậy có hai người nhận được tặng món quà cuộc sống.
Sau khi ghép thận bệnh nhân có thể được hưởng một cuộc sống bình thường và tích cực.

  • Người nhận thích hợp được lựa chọn từ danh sách bệnh nhân chờ ghép tuân theo một quy trình dựa trên nhóm máu, sự hòa hợp HLA và hòa hợp mô qua phản ứng đọ chéo.
  • Thận lấy ra được ghép vào càng sớm thì kết quả thu được càng tốt. Lý tưởng là thận được ghép vào trong vòng 24 giờ sau khi lấy ra khỏi cơ thể. Vượt quá một khoảng thời gian nhất định, thận có thể không còn dùng được để ghép nữa.
  • Quy trình phẫu thuật cho người nhận là giống nhau cả trong ghép thận từ người hiến khi sống hay khi chết.
  • Suốt khoảng thời gian từ khi lấy thận đến khi ghép thận, thận hiến phải chịu tổn thương do thiếu oxy, thiếu máu cung cấp và phơi nhiễm lạnh do được bảo quản trong nước đá. Vì tổn thương này, thận có thể không hoạt động được ngay sau ghép và đôi khi bệnh nhân cần được lọc máu hỗ trợ trong một thời hạn ngắn để chờ cho thận hiến phục hồi và lấy lại chức năng.

Có phải trả tiền gì cho gia đình người hiến không?

Ở những quốc gia có hệ thống hiến tạng hợp pháp từ người hiến khi chết, người nhân không phải trả tiền cho gia đình người hiến. Tặng cho ai đó một cuộc sống mới là một món quà vô giá. Là người hiến tặng, người hiến, gia đình của người hiến không nên mong đợi được nhận bất kì một khoản tiền nào, và người nhận cũng không cần trả tiền cho ai. Niềm vui và sự hài lòng đối với hành động nhân đạo này là sự bù đắp đầy đủ cho người hiến hoặc gia đình của họ.

Hiến tạng là một hành động thiêng liêng. Còn gì có thể thiêng liêng hơn việc cứu sống một con người?