25: Chế độ ăn trong bệnh thận mạn

Vai trò chính của thận là loại bỏ chất thải và lọc sạch máu. Bên cạnh đó, thận còn đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ nước thừa, các hóa chất; thận cũng tham gia điều hòa nước và chất khoáng như natri, kali, canxi, phospho và bicarbonate trong cơ thể. Ở những bệnh nhân bị bệnh thận mạn, việc điều hòa nước và điện giải có thể bị rối loạn. Chính vì lí do này mà ngay cả khi đưa vào một lượng nước, muối hay kali bình thường, những rối loạn nghiêm trọng trong thăng bằng nước và điện giải vẫn có thể xảy ra.

Để giảm tải gánh nặng cho thận bị giảm chức năng và để tránh rối loạn thăng bằng nước và điện giải, bệnh nhân bị bệnh thận mạn cần thay đổi chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Không có chế độ ăn cố định cho các bệnh nhân bị bệnh thận mạn. Mỗi bệnh nhân được tư vấn một chế độ dinh dưỡng khác nhau tùy theo tình trạng lâm sàng, giai đoạn suy thận và các vấn đề y khoa khác. Lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho cùng một bệnh nhân cần được điều chỉnh tương ứng tại những thời điểm khác nhau.

Các mục tiêu của điều trị dinh dưỡng ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn

1. Làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mạn và trì hoãn nhu cầu lọc máu.

2. Giảm tác dụng độc của urê thừa trong máu.

3. Duy trì tình trạng dinh dưỡng tối ưu và ngăn ngừa mất cơ.

4. Giảm nguy cơ rối loạn thăng bằng nước và điện giải.

5. Giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Các nguyên tắc chung của điều trị dinh dưỡng ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn

  • Hạn chế ăn protein ở mức < 0.8 g/kg cơ thể/ngày cho bệnh nhân chưa lọc máu. Các bệnh nhân đang lọc máu cần ăn nhiều protein hơn (1.0 – 1.2 g/kg cân nặng/ngày) để bù cho lượng protein có thể bị mất qua lọc máu.
  • Cung cấp đủ carbohydrate để cung cấp năng lượng.
  • Cung cấp một lượng chất béo vừa phải. Giảm ăn bơ, bơ lỏng, dầu.
  • Hạn chế uống nước và các thức ăn lỏng nếu bị phù.
  • Hạn chế lượng natri, kali và phospho trong chế độ ăn.
  • Cung cấp bổ sung vitamin và các yếu tố vi lượng với lượng thích hợp. Khuyến cáo ăn nhiều chất xơ.

Ăn tăng lượng calo

Chi tiết về việc lựa chọn và điều chỉnh chế độ ăn của bệnh nhân bị bệnh thận mạn như sau:
1. Ăn tăng lượng calo:

Cơ thể cần calo cho các hoạt động hằng ngày để duy trì nhiệt độ, phát triển và duy trì cân nặng cơ thể thích hợp. Calo được cung cấp chủ yếu từ carbohydrate và chất béo. Nhu cầu calo thông thường của các bệnh nhân bị bệnh thận mạn là 35 - 40 kcal/kg cân nặng/ngày. Nếu lượng calo đưa vào không đủ, cơ thể sẽ dùng protein để cung cấp calo. Sự tiêu hủy protein có thể dẫn đến nhiều tác động có hại như suy dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất thải. Do đó việc cung cấp đủ lượng calo cho các bệnh nhân mắc bệnh thận mạn là rất cần thiết. Cần phải tính nhu cầu calo của bệnh nhân mắc bệnh thận mạn theo cân nặng lý tưởng chứ không phải theo cân nặng hiện tại.

Carbohydrates

Carbohydrates là nguồn cung cấp calo chủ yếu cho cơ thể. Carbohydrates có trong lúa mì, ngũ cốc, gạo, khoai tây, trái cây và

rau, đường, mật ong, bánh quy, bánh ngọt, kẹo và đồ uống. Bệnh nhân bị đái tháo đường và béo phì cần hạn chế lượng carbohydrate ăn vào. Tốt nhất là sử dụng carbohydrate phức hợp có trong ngũ cốc như lúa mì và gạo nguyên cám - những thứ cũng có thể cung cấp chất xơ. Các loại lương thực này phải chiếm phần lớn lượng carbohydrate trong chế độ ăn. Các thực phẩm có chứa đường đơn khác sẽ chiếm không quá 20% tổng lượng carbohydrate đưa vào, đặc biệt ở những bệnh nhân đái tháo đường. Những bệnh nhân không bị đái tháo đường có thể thay thế lượng calo lấy từ protein bằng carbohydrate có trong trái cây, bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy, thạch hay mật ong, đồng thời cần hạn chế đồ tráng miệng có sôcôla, hạnh nhân hoặc chuối.

Chất béo

Chất béo là nguồn cung cấp calo quan trọng của cơ thể, cung cấp lượng calo cao gấp đôi so với carbohydrate hoặc protein. Chất béo không bão hòa hay chất béo “tốt” như dầu oliu, dầu lạc, dầu hạt cải, dầu hoa rum, dầu hướng dương, cá và hạnh nhân tốt hơn chất béo bão hòa hay chất béo “xấu” như thịt đỏ, thịt gia cầm, sữa nguyên kem, bơ rắn, bơ lỏng, pho mát, dừa và mỡ lá. Bệnh nhân bị bệnh thận mạn nên giảm ăn chất béo bão hòa và cholesterol vì chúng có thể gây bệnh tim mạch. Trong số chất béo không bão hòa cần lưu ý đến tỷ lệ chất béo dơn không bão hòa và chất béo đa không bão hòa. Dư thừa acid béo không bão hòa đa omega-6 và tỉ tệ omega-6/omega-3 rất cao là có hại, còn tỉ lệ omega-6/omega-3 thấp có các tác động tốt. Việc sử dụng dầu thực vật hỗn hợp nhiều hơn sử dụng một loại dầu duy nhất cũng nhằm mục đích này. Các thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa như khoai tây chiên, bánh rán, bánh quy và bánh ngọt đóng gói bán sẵn có khả năng có hại và nên tránh.

Giới hạn lượng protein ăn vào

2. Giới hạn lượng protein ăn vào

Protein cần thiết cho việc sửa chữa và duy trì các mô cơ thể. Protein cũng giúp hàn gắn vết thương và chống lại nhiễm trùng. Hạn chế ăn protein (< 0.8 g/kg cân nặng/ngày) được khuyến cáo cho bệnh nhân bị bệnh thận mạn chưa lọc máu để giảm tốc độ suy giảm chức năng thận và trì hoãn nhu cầu lọc máu và ghép thận. Tuy nhiên hạn chế ăn protein quá chặt có thể gây suy dinh dưỡng và nên tránh.

Bệnh nhân bị bệnh thận mạn thường chán ăn. Chán ăn và ăn hạn chế protein chặt chẽ có thể dẫn tới suy dinh dưỡng, sụt cân, thiếu năng lượng và giảm khả năng đề kháng của cơ thể, tất cả làm tăng nguy cơ tử vong. Nên ưu tiên các loại protein có giá trị sinh học cao như protein động vật (thịt, gia cầm, cá), trứng và đậu phụ. Bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính nên tránh các chế độ ăn giàu protein (quá nhiều thịt cá, nhất là các phủ tạng). Đồng thời, nên tránh việc sử dụng protein bổ sung và các thuốc như creatine (dùng để phát triển cơ bắp), trừ khi được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng cho phép. Tuy nhiên, một khi bệnh nhân đã lọc máu, cần ăn tăng protein lên mức 1.0 - 1.2 g/kg cân nặng/ngày để bù vào lượng protein mất trong quá trình lọc.

Lượng dịch đưa vào

3. Lượng dịch đưa vào
Tại sao bệnh nhân bị bệnh thận mạn phải thận trọng với lượng dịch đưa vào cơ thể?

Thận đóng vai trò chính trong việc duy trì đủ nước cho cơ thể bằng cách loại bỏ lượng dịch thừa qua nước tiểu. Bệnh nhân bị bệnh thận mạn thường đi tiểu ít đi khi chức năng thận giảm đi. Giảm số lượng nước tiểu gây ứ dịch trong cơ thể, gây ra phù mặt, sưng phù chân, tay và tăng huyết áp. Ứ dịch trong phổi (gọi là xung huyết phổi hay phù phổi) gây khó thở. Nếu tình trạng này không được kiểm soát, bệnh nhân có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.

Các dấu hiệu nào gợi ý có thừa nước trong cơ thể?

Thừa nước trong cơ thể được gọi là quá tải dịch. Sưng phù chân, có dịch trong ổ bụng, khó thở và tăng cân trong một khoảng thời gian ngắn là các dấu hiệu gợi ý quá tải dịch.

Bệnh nhân bị bệnh thận mạn phải lưu ý những gì để kiểm soát dịch vào?

Để tránh quá tải hay thiếu dịch, lượng dịch vào cần được ghi chép lại và theo dõi theo hướng dẫn của bác sĩ. Lượng dịch được phép đưa vào là khác nhau ở mỗi bệnh nhân bị bệnh thận mạn và được tính toán dựa trên số lượng nước tiểu và trạng thái dịch của mỗi bệnh nhân.

Bệnh nhân bị bệnh thận mạn nên đưa vào bao nhiêu dịch?

  • Nếu bệnh nhân không phù và có số lượng nước tiểu phù hợp, lượng nước và dịch đưa vào không bị giới hạn. Bệnh nhân thường có quan niệm sai lầm rằng khi bị bệnh thận cần uống nhiều nước để bảo vệ thận. Lượng dịch được phép trong thức ăn nước uống phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng và chức năng thận của bệnh nhân.
  • Nếu bệnh nhân bị phù và bị giảm số lượng nước tiểu, cần hướng dẫn hạn chế dịch đưa vào. Để giảm phù, lượng dịch đưa vào trong 24 giờ phải ít hơn số lượng nước tiểu trong cả ngày.
  • Để tránh quá tải hay thiếu dịch ở bệnh nhân không phù, lượng dịch đưa vào mỗi ngày = số lượng nước tiểu cả ngày trước đó + 500ml. 500 ml thêm vào xấp xỉ bằng lượng dịch mất đi qua mồ hôi và hơi thở.

Tại sao bệnh nhân bị bệnh thận mạn phải ghi lại cân nặng hàng ngày?

Các bệnh nhân cần theo dõi cân nặng hàng ngày để giám sát lượng dịch trong cơ thể và phát hiện việc thừa hay thiếu dịch. Cân nặng cơ thể ổn định nếu bệnh nhân tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn về dịch vào ra. Tăng cân đột ngột báo động quá tải dịch do tăng lượng dịch đưa vào. Khi bị tăng cân bệnh nhân cần hạn chế dịch đưa vào kỹ lưỡng hơn. Giảm cân thường cảnh báo tác dụng của việc hạn chế dịch đưa vào phối hợp thuốc lợi tiểu.

Một số lời khuyên hữu ích để giảm lượng dịch đưa vào:

Hạn chế uống nước không dễ, nhưng một số cách sau có thể giúp bạn:

1. Cân hàng ngày vào cùng một thời điểm và theo đó điều chỉnh lượng nước ăn uống vào.

2. Bác sĩ hướng dẫn lượng nước bạn được phép ăn/uống vào mỗi ngày. Hãy tính toán phù hợp và ăn, uống đúng lượng nước đã được đo trong ngày. Lưu ý rằng dịch không chỉ là nước mà còn có trà, cà phê, sữa, nước trái cây, kem, đồ giải khát, canh…; các đồ rau quả chứa nhiều nước như dưa hấu, nho, rau diếp-xà lách, cà chua, cần tây, nước sốt, thạch và các món tráng miệng…

3. Giảm ăn các món mặn, cay, chiên rán trong thực đơn của bạn vì chúng làm tăng cảm giác khát, tăng nhu cầu uống nước.

4. Chỉ uống khi bạn cảm thấy khát. Không uống theo thói quen hoặc uống vì mọi người đều uống.

5. Khi bạn khát, chỉ uống một ngụm nhỏ nước hoặc mút một chút nước đá (như 1 viên đá nhỏ). Nước đá giữ được trong miệng lâu hơn chất lỏng, vì thế nó làm bạn thấy dễ chịu hơn là uống cùng một lượng nước. Nhưng bạn phải nhớ nước đá cũng là nước. Để dễ tính toán, hãy đong một lượng nước trong giới hạn cho phép để làm đá.

6. Để đỡ khô miệng, bạn có thể lấy nước súc miệng rồi nhổ ra. Có thể làm giảm khô miệng bằng cách nhai kẹo cao su, ngậm kẹo cứng, miếng chanh hay lá bạc hà và dùng nước súc miệng để làm ẩm miệng.

7. Luôn sử dụng cốc và chén cỡ nhỏ để đựng đồ giải khát để giới hạn lượng chất lỏng uống vào.

8. Uống thuốc sau bữa ăn khi bạn uống nước để giảm lượng nước cần uống thêm khi uống thuốc.

9. Bệnh nhân cần tìm các việc làm để luôn bận rộn. Khi nhàn rỗi, người ta sẽ có nhu cầu được uống nhiều hơn.

10. Đường máu cao ở bệnh nhân đái tháo đường có thể làm tăng cảm giác khát. Để giảm cảm giác khát, cần kiểm soát nghiêm ngặt đường máu.

11. Thời tiết nóng nực làm tăng cảm giác khát, do vậy bạn hãy cố gắng tìm những nơi mát mẻ hơn để sống và làm việc.

Làm thế nào để đo và ăn uống vào đúng lượng dịch cho phép trong một ngày?

  • Cho vào bình chứa đúng lượng nước mà bác sĩ cho phép ăn uống vào mỗi ngày.
  • Bệnh nhân luôn cần nhớ rằng không được phép uống vào nhiều hơn lượng nước đó.
  • Mỗi lần bệnh nhân đưa vào cơ thể một lượng chất lỏng nhất định, hãy đổ bớt ngần đó nước ra khỏi bình chứa.
  • Khi bình chứa không còn nước, bệnh nhân đã dùng hết lượng dịch được cho phép trong ngày và không được uống thêm nữa.
  • Nên phân bổ tổng lượng dịch đưa vào đồng đều nhau trong ngày để tránh có nhu cầu thêm.
  • Nếu phương pháp này được lặp đi lặp lại hàng ngày và tuân thủ đúng, bạn sẽ thực hiện được một cách hiệu quả những khuyến cáo của bác sĩ và tránh được việc đưa vào quá lượng dịch cho phép.

Hạn chế muối (Na) trong chế độ ăn

4. Hạn chế muối (Na) trong chế độ ăn
Tại sao chế độ ăn ít Natri được khuyến cáo cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn?

Natri trong chế độ ăn giúp cơ thể duy trì được thể tích máu và kiểm soát huyết áp. Thận đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa Natri. Ở các bệnh nhân bị bệnh thận mạn, thận không thể đào thải được dịch và Natri thừa ra khỏi cơ thể, do vậy Natri và nước sẽ tích lại trong cơ thể. Lượng Natri tăng dẫn đến tăng cảm giác khát, phù, khó thở và tăng huyết áp.

Để làm giảm hoặc phòng ngừa các vấn đề này, bệnh nhân bị bệnh thận mạn phải hạn chế lượng Natri ăn vào.

Sự khác biệt giữa Natri và muối là gì?

Natri và muối thường được sử dụng như những từ đồng nghĩa. Muối thông thường (muối ăn) là NaCl chứa 40% Natri. Muối là nguồn Natri cơ bản trong thức ăn. Nhưng muối không phải là nguồn Natri duy nhất. Còn có một vài hợp chất của Natri trong thức ăn, chẳng hạn như:

  • Natri alginat: Trong kem và sữa sô cô la.
  • Natri bicarbonat: Trong bột nở và soda.
  • Natri benzoate: Trong chất bảo quản nước sốt.
  • Natri citrate: Dùng để tăng mùi thơm cho thạch, đồ tráng miệng và đồ uống giải khát.
  • Natri nitrate: Dùng trong bảo quản và tạo màu cho thịt đóng hộp.
  • Natri saccharide: Dùng trong chất tạo ngọt nhân tạo
  • Natri sulfite: Dùng để ngăn cản sự đổi màu của trái cây sấy khô.

Các hợp chất nói trên chứa Natri nhưng lại không có vị mặn. Natri được ẩn trong các hợp chất này.

Một người nên ăn bao nhiêu muối?

Lượng muối ăn vào mỗi ngày thường là khoảng từ 10-15g (4-6g Natri). Bệnh nhân bị bệnh thận mạn chỉ được ăn đúng lượng muối theo khuyến cáo của bác sĩ. Bệnh nhân bị bệnh thận mạn có phù và tăng huyết áp thường được khuyên ăn dưới 2g Natri mỗi ngày.

Những thức ăn nào chứa nhiều Natri?
Những thức ăn chứa nhiều Natri gồm:

1. Muối ăn, bột nở.

2. Thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh và thịt ăn sẵn.

3. Nước sốt làm sẵn.

4. Gia vị như nước mắm và nước tương.

5. Các thức ăn nướng sẵn như bánh quy, bánh ngọt, pizza, bánh mì.

6. Bánh quế, khoai tây chiên, bỏng ngô, lạc rang muối, điều, hạt dẻ cười v.v…

7. Phô mai và bơ đóng hộp có muối.

8. Thức ăn liền như mì tôm, mì ống, nui và cốm bắp.

9. Rau như bắp cải, súp lơ, rau chân vịt, củ dền, củ cải đường và rau mùi.

10. Nước dừa.

11.Thuốc như natri bicarbonat, thuốc trung hòa acid, thuốc nhuận tràng.

12. Thức ăn không chay như thịt, thịt gà, nội tạng động vật như thận, gan, não.

13. Hải sản như cua, tôm hùm, hàu, tôm, cá béo, cá khô.

Một số lời khuyên hữu ích giúp giảm natri trong thức ăn

1. Giới hạn lượng muối ăn và tránh bỏ thêm muối, bột nở trong thức ăn. Nấu thức ăn không bỏ muối, bỏ thêm lượng muối được cho phép ăn về sau vào lúc ăn. Đây là cách tốt nhất để giảm lượng muối ăn vào và dùng đúng lượng muối được cho phép trong các bữa ăn hàng ngày.

2. Tránh ăn các thực phẩm có chứa nhiều Natri (như đã liệt kê trên đây).

3. Không để muối và gia vị mặn ở bàn ăn hoặc cất tất cả các lọ đựng muối khỏi bàn ăn

4. Đọc kĩ nhãn của các thức ăn đóng gói sẵn và thức ăn chế biến sẵn bán trên thị trường. Ngoài muối, cần chú ý đọc kỹ tìm các hợp chất chứa natri được ghi trên nhãn. Hãy nghiên cứu kĩ thông tin ghi trên nhãn và chọn các loại thực phẩm không chứa hoặc chứa ít natri. Đảm bảo rằng kali không được bỏ vào thay cho natri trong những thực phẩm này.

5. Kiểm tra lượng natri trong các thuốc.

6. Nên luộc các loại rau có chứa nhiều natri và bỏ nước luộc đi. Điều này có thể giúp làm giảm lượng natri trong rau.

7. Để có một chế độ ăn ít muối mà vẫn ngon, có thể cho thêm gia vị và một số loại lá thơm như tỏi, hành, nước chanh, lá nguyệt quế, sốt me, giấm, quế, đinh hương, hạt nhục đậu khấu, tiêu đen, thìa là…

8. Lưu ý! Tránh sử dụng chất thay thế muối vì có chứa nhiều kali. Lượng kali chứa trong chất thay thế muối có thể làm tăng kali máu đến ngưỡng nguy hiểm ở các bệnh nhân bị bệnh thận mạn.

9. Không uống nước mềm. Trong quá trình làm mềm nước, canxi được thay thế bằng natri. Nước được lọc qua hệ thống thẩm thấu ngược có hàm lượng chất khoáng thấp trong đó có cả natri.

10. Khi đi ăn ở nhà hàng, hãy chọn những món ăn có chứa ít natri.

Hạn chế Kali trong chế độ ăn

5. Hạn chế Kali trong chế độ ăn
Tại sao bệnh nhân bị bệnh thận mạn được khuyên nên hạn chế kali trong chế độ ăn?

Kali là một khoáng chất quan trọng trong cơ thể cần cho hoạt động của cơ và dây thần kinh và duy trì nhịp tim đều đặn. Bình thường, lượngkali trong cơ thể được giữa cân bằng nhờ việc ăn các thức ăn chứa kali và đào thải kali thừa qua nước tiểu. Việc đào thải kali thừa qua nước tiểu ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn có thể không đủ và dẫn đến tích lũy một lượng lớn kali trong máu (tình trạng này gọi là tăng kali máu). Nguy cơ tăng kali máu ở bệnh nhân lọc màng bụng thấp hơn so với bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Nguy cơ ở hai nhóm bệnh nhân này là khác nhau vì máu được lọc liên tục khi lọc màng bụng, còn khi chạy thận nhân tạo máu chỉ được lọc ngắt quãng.

Nồng độ kali cao có thể gây yếu cơ nặng hoặc loạn nhịp tim, là những dấu hiệu rất nguy hiểm. Khi kali rất cao, tim có thể dừng đập đột ngột và gây đột tử. Nồng độ kali cao có thể đe dọa tính mạng mà không có triệu chứng hay biểu hiện rõ ràng (chính vì thế tình trạng này được biết đến với cái tên kẻ giết người thầm lặng).

Để tránh hậu quả nghiêm trọng do tăng kali máu, bệnh nhân bị bệnh thận mạn được khuyên nên hạn chế kali trong chế độ ăn.

Nồng độ kali bình thường trong máu là bao nhiêu? Khi nào thì được xem là cao?

  • Kali huyết thanh bình thường (nồng độ kali máu) là từ 3.5 mEq/L đến 5.0 mEq/L.
  • Khi kali huyết thanh từ 5.0 đến 6.0 mEq/L, cần hạn chế kali trong chế độ ăn.
  • Khi kali huyết thanh trên 6.0 mEq/L, cần có can thiệp nội khoa tích cực để giảm kali máu
  • Kali huyết thanh trên 7.0 mEq/L đe dọa tính mạng và cần điều trị cấp cứu như lọc máu cấp cứu.

Phân loại thức ăn theo hàm lượng kali

Để đảm bảo kiểm soát được nồng độ kali máu thích hợp, thức ăn phải được thay đổi theo lời khuyên của bác sĩ. Dựa theo hàm lượng kali, thức ăn được chia thành ba nhóm khác nhau (nhóm chứa nhiều kali, nhớm chứa kali trung bình và nhóm chứa ít kali).

Nhiều kali = Trên 200mg/100g thức ăn.

Kali trung bình = Từ 100 đến 200 mg/ 100g thức ăn.

Ít kali = Dưới 100 mg/100g thức ăn.

Thức ăn chứa nhiều kali

  • Trái cây: Mơ tươi, chuối chín, hồng xiêm, dừa tươi, na, mận gai, ổi, kiwi, xoài chín, cam, đu đủ, đào, lựu và mận
  • Rau: Súp lơ xanh, đậu chùm, rau mùi, chùm ngây, nấm, đu đủ xanh, khoai tây, bí ngô, rau chân vịt, khoai lang, cà chua và củ từ.
  • Trái cây khô: Hạnh nhân, điều, chà là, sung sấy khô, nho khô và quả óc chó
  • Ngũ cốc: Bột mì
  • Cây họ đậu: Đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh
  • Thức ăn không chay: Cá như cá cơm và cá thu; động vật có vỏ như tôm sú, tôm hùm và cua; và thịt bò
  • Đồ uống: Nước dừa, sữa đặc, sữa trâu, sữa bò, đồ uống sô cô la, nước trái cây tươi, canh, bia, rượu và nước uống có ga.
  • Các thức ăn khác: Sô cô la, bánh ngọt sô cô la, kem sô cô la, muối thay muối ăn, khoai tây chiên, sốt cà chua...
Thức ăn chứa lượng kali trung bình
  • Trái cây: Anh đào chín, nho, vải, lê, chanh ngọt và dưa hấu
  • Rau: Củ dền, chuối xanh, mướp đắng, bắp cải, cà rốt, cần tây, súp lơ trắng, đậu tây, đậu bắp, xoài xanh, hành, củ cải, đậu Hà Lan, ngô ngọt và lá rum.
  • Ngũ cốc: Lúa mạch, bột mì đa dụng, mì miến làm từ bột mì, cốm gạo
  • Thức ăn không chay: Gan
  • Đồ uống: Sữa đông
Thức ăn chứa ít kali
  • Trái cây: Táo, mâm xôi, chanh, dứa, dâu tây.
  • Rau: Bầu, đậu tằm, ớt, dưa chuột, tỏi, xà lách, đậu Hà Lan, xoài xanh và lặc lày

  • Ngũ cốc: Gạo, lúa mì cứng.
  • Cây họ đậu: Đậu Hà Lan.
  • Thức ăn không chay: Thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, thịt gà, trứng.
  • Đồ uống: Coca-cola, cà phê, nước chanh, soda.
  • Các thức ăn khác: Đinh hương, gừng khô, mật ong, lá bạc hà, mù tạt, nhục đậu khấu, tiêu đen và giấm.

Một số lời khuyên hữu ích giúp hạn chế kali trong thức ăn

1. Mỗi ngày ăn một loại quả, nên chọn loại có chứa ít kali.

2. Mỗi ngày uống một cốc trà hoặc cà phê.

3. Chỉ nên ăn rau có chứa kali sau khi đã xử lý làm giảm lượng kali (như hướng dẫn dưới đây).

4. Tránh uống nước dừa, nước trái cây và thức ăn có chứa nhiều kali (như đã liệt kê ở trên)

5. Phần lớn thức ăn đều chứa một ít kali, vì vậy giải pháp là chọn loại thức ăn có chứa ít kali nếu có thể.

6. Không chỉ bệnh nhân bị bệnh thận mạn trước lọc máu cần hạn chế kali mà cả bệnh nhân lọc máu cũng cần hạn chế.

Làm thế nào để giảm lượng kali trong rau?

  • Lột vỏ và cắt nhỏ rau.
  • Rửa rau với nước ấm, bỏ rau vào một chậu to và đổ nước nóng vào chậu (lượng nước gấp bốn đến năm lần thể tích rau), ngâm rau tối thiểu một giờ đồng hồ.
  • Sau khi ngâm rau 2-3 giờ, rửa thêm 3 lần bằng nước ấm
  • Sau đó luộc rau với nhiều nước rồi bỏ nước luộc.
  • Chế biến rau đã đun sôi theo ý thích.
  • Mặc dù bạn có thể giảm lượng kali trong rau, tốt hơn vẫn là tránh các loại rau có nhiều kali hoặc chỉ ăn một lượng rất ít.
  • Vì vitamin bị mất trong rau đã nấu chín, cần uống vitamin bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ.

Một sốcách đặc biệt để loại bỏ kali khỏi khoai tây

  • Cẩn thái nhỏ khoai tây như thái hạt lựu, thái lát mỏng hoặc nạo khoai tây thành các miếng nhỏ. Điều này làm tăng tối đa diện tích bề mặt khoai tây tiếp xúc với nước, giúp làm tăng lượng kali mất đi từ khoai tây.
  • Mức nhiệt độ của nước dùng để ngâm hoặc luộc khoai tây sẽ tạo ra sự khác nhau.
  • Nên dùng thật nhiều nước để ngâm hoặc luộc khoai tây.

Hạn chế phospho trong chế độ ăn

6. Hạn chế phospho trong chế độ ăn
Tại sao các bệnh nhân bị bệnh thận mạn phải có chế độ ăn hạn chế phospho?

  • Phospho là một khoáng chất cần thiết giúp duy trì xương khỏe mạnh. Lượng phospho thừa trong thức ăn được loại bỏ ra khỏi cơ thể qua bài tiết nước tiểu. Điều này giúp duy trì nồng độ photpho ổn định trong máu.
  • Nồng độ phospho bình thường trong máu là từ 4.0 đến 5.5 mg/dl.
  • Bệnh nhân bị bệnh thận mạn không thể loại bỏ phospho thừa trong thức ăn, vì thế nồng độ phospho máu tăng lên. Phospho thừa kéo canxi ra khỏi xương làm xương yếu đi.
  • Nồng độ phospho tăng dẫn đến nhiều vấn đề như ngứa, yếu cơ và xương, đau nhức xương, cứng xương và đau khớp. Xương cứng trở nên dễ bị gãy.

Những thức ăn nào chứa nhiều phospho mà bệnh nhân nên hạn chế hoặc tránh ăn?

Thức ăn chứa nhiều phospho gồm có:

  • Sữa và sản phẩm từ sữa: pho mai, sô cô la, sữa đặc, kem, sữa lắc.
  • Trái cây khô: Hạt điều, hạnh nhân, hạt dẻ cười, dừa khô, quả óc chó.
  • Đồ uống lạnh: cola đen, bia.
  • Cà rốt, ngô, lạc, đậu xanh, khoai lang.
  • Protein động vật: thịt, thịt gà, cá, trứng.

Giàu vitamin và chất xơ đưa vào

7. Nên ăn nhiều vitamin và chất xơ

Bệnh nhân bị bệnh thận mạn thường không được cung cấp đủ vitamin ở giai đoạn trước lọc máu vì chán ăn, và chế độ ăn kiêng để làm chậm tiến triển của bệnh thận. Một số vitamin - nhất là vitamin tan trong nước như B, C và acid folic - bị mất trong quá trình lọc máu.

Để bù lại lượng vitamin bị thiếu hoặc bị mất, bệnh nhân bị bệnh thận mạn thường cần bổ sung các vitamin tan trong nước và các nguyên tố vi lượng. Thức ăn giàu chất xơ rất có ích cho bệnh nhân, vì thế họ được khuyên ăn thêm rau tươi và trái cây giàu vitamin và chất xơ, trong khi đó vẫn phải tránh các loại chứa nhiều kali.

Sắp xếp thức ăn hàng ngày

Với các bệnh nhân bị bệnh thận mạn, thức ăn và nước uống hàng ngày được chuyên gia dinh dưỡng xây dựng và sắp xếp dựa theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa thận.

Một vài nguyên tắc chung cho chế độ ăn:

1. Nước và thức ăn lỏng đưa vào: Cần hạn chế lượng dịch đưa vào theo lời khuyên của bác sĩ. Duy trì biểu đồ cân nặng hàng ngày. Bất kì sự tăng cân không hợp lí nào có thể liên quan đến việc tăng dịch vào.

2. Carbohydrate: Để đảm bảo cơ thể được cấp đủ calo, bệnh nhân bị bệnh thận mạn có thể ăn thức ăn chứa đường hoặc glucose cùng với ngũ cốc, nếu bệnh nhân không bị đái tháo đường.

3. Protein: Thịt nạc, sữa, ngũ cốc, rau họ đậu, trứng và thịt gà là các nguồn protein chính. Bệnh nhân bị bệnh thận mạn chưa lọc máu được khuyên nên hạn chế protein trong chế độ ăn ở mức <0.8 gam/kg cân nặng/ngày. Một khi đã lọc máu, lượng protein trong chế độ ăn có thể tăng đến mức 1-1.2gam/kg cân nặng/ngày.

Bệnh nhân lọc màng bụng cần ăn nhiều protein hơn, khoảng 1.5 gam/kg cân nặng/ngày. Mặc dù protein động vật chứa tất cả các acid amin thiết yếu (nên được gọi là protein đầy đủ hay protein có giá trị sinh học cao) và được coi là lý tưởng, bệnh nhân vẫn cần phải hạn chế các loại protein này, nhất là khi chưa lọc máu vì chúng có thể đẩy nhanh tiến triển của bệnh thận mạn.

4. Chất béo: Chất béo có thể được coi là nguồn năng lượng bởi chúng cung cấp nhiều calo. Chất béo không bão hòa đa và không bão hòa đơn dưới dạng dầu oliu, dầu rum, dầu hạt cải hoặc dầu đậu nành có thể được dùng với lượng hạn chế. Nên tránh các chất béo bão hòa ví dụ như mỡ lá động vật.

5. Muối: Phần lớn bệnh nhân được khuyên nên ăn chế độ giảm muối. Cần tuân theo chế độ ăn “không bỏ thêm muối”. Đọc kỹ nhãn thực phẩm và chọn loại chứa ít natri nhưng phải đảm bảo rằng tránh được các chất thay thế muối có chứa nhiều kali.

6. Ngũ cốc: Gạo hoặc các sản phẩm từ gạo như gạo ép có thể dùng được. Để tránh khẩu vị đơn điệu, có thể luân phiên sử dụng các loại ngũ cốc như lúa mì, gạo, bột cọ, bột mì, bột đa dụng, và cốm bắp. Có thể dùng lượng nhỏ ngô và lúa mạch.

7. Rau: Rau chứa ít kali có thể ăn tùy ý. Rau chứa nhiều kali phải được chế biến để loại bỏ kali trước khi ăn. Để tăng khẩu vị, có thể thêm nước chanh.

8. Trái cây: Trái cây chứa ít kali như táo, đu đủ và quả mọng có thể ăn nhưng chỉ được một lần trong ngày. Trong các ngày có lọc máu, bệnh nhân có thể ăn bất kì loại quả nào. Cần tránh uống nước trái cây và nước dừa.

9. Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa, sữa chua và pho mai chứa rất nhiều phospho và cần phải được hạn chế. Các thức ăn có nguồn gốc từ sữa khác chứa ít phospho hơn như bơ, kem phô mai, phô mai tươi, kem vị trái cây và kem tươi thực vật có thể dùng thay thế.

10. Đồ uống lạnh: Tránh nước soda tối màu vì chúng chứa nhiều phospho. Không uống nước trái cây hoặc nước dừa vì chúng có khả năng chứa nhiều kali.

11. Trái cây khô: Phải tránh ăn trái cây khô, lạc, vừng, dừa tươi hoặc dừa khô.