Bệnh thận là kẻ giết người thầm lặng. Bệnh có thể gây mất dần chức năng thận dẫn đến suy thận và cuối cùng đòi hỏi phải lọc máu hoặc ghép thận để duy trì cuộc sống. Do chi phí điều trị cao và các khó khăn tiềm ẩn về nguồn lực ở các nước đang phát triển, chỉ có 5-10% bệnh nhân suy thận đủ may mắn để được điều trị thay thế bằng lọc máu và ghép thận, còn những người khác chết mà không có cơ hội điều trị thay thế nào. Bệnh thận mạn rất phổ biến và không có phương pháp chữa khỏi, vì vậy phòng ngừa là lựa chọn duy nhất. Việc phát hiện và điều trị sớm thường có thể ngăn bệnh tiến triển xấu đi, và có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn nhu cầu điều trị thay thế.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh thận?
Không bao giờ được bỏ qua thận của bạn. Các khía cạnh quan trọng về chăm sóc và phòng ngừa bệnh thận được thảo luận trong các phần sau đây.
1. Các biện pháp phòng ngừa cho người khỏe mạnh.
2. Các biện pháp phòng ngừa cho người bị bệnh thận.
Biện pháp phòng ngừa cho người khỏe mạnh
7 cách hiệu quả để giữ cho thận khỏe mạnh là:
1. Giữ vóc dáng và năng động
Tập thể dục nhịp điệu thường xuyên và hoạt động thể lực hàng ngày giúp duy trì huyết áp bình thường và giúp kiểm soát đường máu. Những hoạt động thể lực như vậy làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường và tăng huyết áp và do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận mạn.
2. Chế độ ăn cân bằng
Chế độ ăn lành mạnh, nhiều trái cây và rau tươi. Giảm lượng thực phẩm tinh chế, đường, chất béo và thịt trong chế độ ăn. Đối với những người trên 40 tuổi, chế độ ăn giảm muối có thể giúp ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp và sỏi thận.
3. Kiểm soát cân nặng
Duy trì cân nặng của bạn với sự cân bằng thực phẩm lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Điều này có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, bệnh tim và các tình trạng liên quan đến bệnh thận mạn khác.
4. Bỏ hút thuốc
Hút thuốc có thể dẫn đến xơ vữa mạch, làm giảm lưu lượng máu đến thận, do đó làm giảm khả năng hoạt động tốt nhất của thận. Cũng có những nghiên cứu chứng minh rằng hút thuốc gây giảm chức năng thận nhanh hơn ở những người có bệnh thận tiềm ẩn.
5. Thận trọng với các thuốc bán tự do
Không nên lạm dụng thuốc giảm đau bán tự do thường xuyên. Các thuốc thông thường như thuốc chống viêm không steroid dạng Ibuprofen và Naproxen được biết là gây tổn thương thận và đặc biệt là suy thận sau đó nếu dùng thường xuyên. Cần khám bác sĩ để tìm cách tốt nhất giúp kiểm soát đau mà không gây nguy cơ cho thận của bạn.
6. Uống nhiều nước
Uống đủ nước (khoảng 3 lít mỗi ngày) giúp làm loãng nước tiểu, loại bỏ tất cả các chất thải độc hại ra khỏi cơ thể và ngăn ngừa sỏi thận.
7. Kiểm tra thận hàng năm
Bệnh thận thường thầm lặng và không gây triệu chứng cho đến khi đến giai đoạn muộn. Phương pháp chẩn đoán sớm và phòng ngừa bệnh thận hiệu quả nhất nhưng đáng buồn là chưa được sử dụng đúng mức là kiểm tra thận định kỳ. Kiểm tra thận hàng năm là điều bắt buộc đối với những người có nguy cơ cao, như người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì hoặc trong gia đình có người mắc bệnh thận mạn. Nếu bạn quan tâm đến thận của mình (và quan trọng hơn là yêu quý bản thân mình), đừng quên kiểm tra thận định kỳ sau độ tuổi 40. Một phương pháp đơn giản để phát hiện và chẩn đoán bệnh thận sớm là đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và định lượng creatinine máu ít nhất mỗi năm một lần.
Phòng ngừa đối với người bị bệnh thận
1. Nhận thức về bệnh thận và chẩn đoán sớm
Hãy cảnh giác và theo dõi các triệu chứng của bệnh thận. Các triệu chứng thường gặp của bệnh thận là phù mặt và chân, chán ăn, buồn nôn, nôn, nhợt nhạt, mệt mỏi, đi tiểu nhiều lần, có máu hoặc protein trong nước tiểu. Khi có các triệu chứng như vậy, nên đến khám bác sĩ và làm xét nghiệm kiểm tra bệnh thận.
2. Các biện pháp phòng ngừa cho bệnh nhân đái tháo đường
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, dự phòng bệnh thận là đặc biệt cần thiết vì đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn và suy thận trên toàn thế giới. Khoảng 45% trường hợp mắc bệnh thận giai đoạn cuối là do bệnh thận đái tháo đường. Để chẩn đoán sớm bệnh thận đái tháo đường, một cách đơn giản và hiệu quả là đo huyết áp và xét nghiệm nước tiểu ít nhất ba tháng một lần để kiểm tra protein hoặc microalbumin niệu bằng que thử. Đây là xét nghiệm tốt nhất và lý tưởng để chẩn đoán sớm nhất bệnh thận đái tháo đường, và phải được làm hàng năm. Định lượng creatinine huyết thanh (và ước tính mức lọc cầu thận) để đánh giá chức năng thận ít nhất mỗi năm một lần.
Tăng huyết áp, có protein trong nước tiểu, phù toàn thân, đường máu dao động thường xuyên, giảm nhu cầu insulin và xuất hiện biến chứng mắt của đái tháo đường (bệnh võng mạc do đái tháo đường) là gợi ý quan trọng về tổn thương thận ở người bị đái tháo đường. Hãy cảnh giác với những tín hiệu nguy hiểm này và đến khám bác sĩ của bạn ngay lập tức.
Để ngăn ngừa bệnh thận đái tháo đường, các bệnh nhân đái tháo đường phải được kiểm soát đường máu một cách cẩn thận, duy trì huyết áp dưới 130/80 mmHg (Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin, ức chế thụ thể Angiotensin là thuốc hạ áp được ưu tiên), giảm lượng protein trong khẩu phần ăn và kiểm soát lipid máu.
3. Các biện pháp phòng ngừa cho bệnh nhân tăng huyết áp
Tăng huyết áp là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây bệnh thận mạn. Vì hầu hết những người bị tăng huyết áp không có triệu chứng, nhiều bệnh nhân tăng huyết áp thường không tuân thủ điều trị hoặc thậm chí một số có thể tự ngừng điều trị. Một số người ngừng điều trị vì họ cảm thấy dễ chịu hơn khi không phải uống thuốc. Nhưng điều này là nguy hiểm. Tăng huyết áp không kiểm soát trong một thời gian kéo dài có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như bệnh thận mạn, cơn đau tim và đột quỵ.
Để ngăn ngừa bệnh thận, các bệnh nhân tăng huyết áp cần phải thường xuyên uống thuốc hạ áp theo đơn đã kê, kiểm tra huyết áp định kỳ và có chế độ ăn hạn chế muối hợp lý. Mục tiêu điều trị là giữ huyết áp từ 130/80 mmHg trở xuống. Để chẩn đoán sớm tổn thương thận, tất cả bệnh nhân tăng huyết áp cần đượcxét nghiệm nước tiểu và định lượng creatinine máu hàng năm.
4. Các biện pháp phòng ngừa ở bệnh nhân bệnh thận mạn
Bệnh thận mạn là một bệnh không thể chữa khỏi. Nhưng phát hiện và chẩn đoán sớm kèm chế độ ăn kiêng khem phù hợp, theo dõi định kỳ và điều trị phù hợp sẽ làm chậm tiến triển bệnh và có thể trì hoãn nhu cầu phải lọc máu hoặc ghép thận. Việc kiểm soát huyết áp hàng ngày hợp lý là một biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh thận mạn.
Nên duy trì huyết áp ở mức từ 130/80 mmHg trở xuống. Cách tốt nhất để kiểm soát được huyết áp tốt là theo dõi huyết áp thường xuyên ở nhà và duy trì một biểu đồ, điều này sẽ giúp bác sĩ rất nhiều trong việc điều chỉnh các loại thuốc hạ áp cho phù hợp. Đối với bệnh nhân bị bệnh thận mạn, cần phải nhanh chóng phát hiện ra các yếu tố như tụt huyết áp, mất nước, tắc nghẽn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, thuốc gây độc thận… Phải xử lý ngay các yếu tố này để duy trì chức năng thận ổn định, và đôi khi, có thể cải thiện chức năng thận.
5. Chẩn đoán sớm và điều trị bệnh thận đa nang
Bệnh thận đa nang di truyền trội qua nhiễm sắc thể thường là một bệnh thận di truyền nặng và phổ biến, chiếm khoảng 6-8% số bệnh nhân lọc máu. Một người trưởng thành có tiền sử gia đình bị bệnh thận đa nang là người có nguy cơ mắc bệnh cao và cần được sàng lọc bằng siêu âm để chẩn đoán sớm bệnh này. Bệnh thận đa nang không thể chữa khỏi nhưng các biện pháp như kiểm soát tăng huyết áp, điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, chế độ ăn kiêng và điều trị hỗ trợ giúp kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng và làm giảm tốc độ suy giảm chức năng thận.
6. Chẩn đoán sớm và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em
Cần nghĩ tới nhiễm trùng đường tiết niệu bất cứ khi nào thấy trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân, đi tiểu thường xuyên, tiểu buốt, chán ăn hoặc tăng cân chậm.
Điều quan trọng phải nhớ là mỗi đợt nhiễm trùng đường tiết niệu, đặc biệt là khi có sốt, có nguy cơ gây tổn thương thận, đặc biệt nếu chẩn đoán hoặc điều trị chậm trễ và không phù hợp. Những tổn thương này bao gồm sẹo ở thận, tăng trưởng thận kém, tăng huyết áp và suy thận sau này. Vì lý do này, điều bắt buộc là nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em phải được chẩn đoán sớm và được điều trị đúng ngay lập tức; một điều cũng rất quan trọng khi trẻ có triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu, việc xác định các bất thường có sẵn (bẩm sinh và/hoặc về cấu trúc/giải phẫu) hoặc các yếu tố nguy cơ khác cần được tiến hành nhanh chóng. Trào ngược bàng quang niệu quản là nguyên nhân thường gặp nhất, thấy ở khoảng 50% số trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thời thơ ấu. Giám sát chặt và theo dõi là bắt buộc ở trẻ em bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
7. Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát ở người trưởng thành
Bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát hoặc không đáp ứng tốt với kháng sinh phù hợp cần được đánh giá để tìm các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn. Một số nguyên nhân kín đáo (ví dụ như tắc nghẽn đường tiết niệu, sỏi tiết niệu vv) có nguy cơ gây tổn thương thận vĩnh viễn, nếu không được điều trị. Do đó, chẩn đoán sớm và xác định các nguyên nhân tiềm ẩn là rất cần thiết.
8. Xử lý đúng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
Nhiều nam giới cao tuổi bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không chú ý đến các triệu chứng trong một thời gian dài, vì quan niệm sai lầm là việc đi tiểu nhiều lần hay tiểu nhỏ giọt là bình thường khi tuổi cao. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không được điều trị cũng có thể gây tổn thương thận vĩnh viễn. Theo dõi đúng và điều trị kịp thời sẽ giúp bảo tồn phần chức năng thận còn lại ở thời điểm chẩn đoán.
9. Đừng bỏ qua bệnh tăng huyết áp ở độ tuổi trẻ
Tăng huyết áp ở người trẻ tuổi là không phổ biến và hầu như luôn luôn đòi hỏi phải tìm nguyên nhân tiềm ẩn. Bệnh thận là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng huyết áp nặng ở người trẻ. Vì vậy, ở những người trẻ tuổi bị tăng huyết áp, cần phải thăm khám ngay để phát hiện sớm và chẩn đoán bệnh thận giúp ngăn ngừa sự tiến triển, phòng ngừa việc có những thiệt hại vĩnh viễn lâu dài.
10. Điều trị sớm suy thận cấp/tổn thương thận cấp
Các nguyên nhân quan trọng gây suy thận cấp (giảm chức năng thận đột ngột) là tiêu chảy, nôn, sốt rét do falciparum, tụt huyết áp, nhiễm trùng máu, một số loại thuốc (như chống viêm không steroid) vv. Việc xác định sớm và nhanh các nguyên nhân tiềm ẩn này có thể ngăn ngừa sự tiến triển và hạn chế sự xuất hiện suy thận vĩnh viễn.
11. Sử dụng thuốc một cách thận trọng
Hãy thận trọng. Nhiều loại thuốc bán tự do không phải kê đơn (đặc biệt là thuốc giảm đau) có nguy cơ gây tổn thương thận, đặc biệt là ở người cao tuổi. Các loại thuốc này được quảng cáo rộng rãi, nhưng những hậu quả có hại lại thường được che dấu. Tránh sử dụng bừa bãi thuốc giảm đau khi bị nhức đầu và đau nhức người thông thường. Tránh tự điều trị hay dùng những thuốc không cần thiết hoặc thực phẩm chức năng. Các loại thuốc được sử dụng theo hướng dẫn và giám sát của bác sĩ thường an toàn.Nhiều người sai lầm khi tin rằng tất cả các loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên (thảo dược, thuốc đông dược, thuốc bắc, cây cỏ v.v…) và thực phẩm chức năng là vô hại. Kim loại nặng có trong một số thuốc cổ truyền đã được biết là gây ra tổn thương thận không hồi phục.
12. Thận trọng khi chỉ có một thận đơn độc
Người có một thận duy nhất có thể sống cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Cũng như bệnh nhân có 2 thận, họ cần kiểm soát tốt huyết áp của mình thường xuyên, uống nhiều nước, duy trì chế độ ăn lành mạnh, tránh ăn quá nhiều muối, tránh ăn nhiều protein và tránh chấn thương (ví dụ chấn thương trực tiếp) lên thận đơn độc. Việc phòng ngừa quan trọng nhất là khám sức khoẻ định kỳ. Cần khám bác sĩ ít nhất mỗi năm 1 lần để theo dõi chức năng thận bằng cách kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và siêu âm hệ tiết niệu, nếu được chỉ định.