9: Tổn thương thận cấp

Nguyên nhân

Tổn thương thận cấp là gì?

Trong tổn thương thận cấp (trước đây gọi là suy thận cấp), sự giảm hoặc mất chắc năng thận xảy ra trong khoảng thời gian ngắn (khoảng vài giờ, vài ngày hay vài tuần) và thường mang tính tạm thời, có thể hồi phục được.

Nguyên nhân nào gây tổn thương thận cấp?

Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương thận cấp. Nguyên nhân thường gặp gồm:

1. Giảm lưu lượng máu tưới cho thận: mất nước nặng do tiêu chảy, mất máu, bỏng hay tụt huyết áp.

2. Nhiễm trùng nặng, các bệnh nặng hay sau đại phẫu.

3. Tắc nghẽn đột ngột đường tiết niệu: Sỏi thận là nguyên nhân thường gặp nhất gây tắc nghẽn đường tiết niệu.

4. Những nguyên nhân khác: sốt rét do Falciparum, bệnh vàng da do xoắn khuẩn Leptospira, rắn độc cắn, một số bệnh thận, mang thai, biến chứng và tác dụng phụ của một số thuốc (chống viêm không steroid, aminoglycoside, thuốc cản quang, một số thuốc từ cây cỏ và thảo dược.

Triệu chứng của tổn thương thận cấp

Trong tổn thương thận cấp, do chức năng thận mất đột ngột và sự tích lũy nhanh chóng các chất thải và rối loạn cân bẳng nước - điện giải, bệnh nhân có triệu chứng sớm và rõ rệt. Triệu chứng và mức độ nặng là khác nhau ở các bệnh nhân khác nhau. Có thể quan sát thấy:

1. Triệu chứng của bệnh nguyên nhân (tiêu chảy, mất máu, sốt, rét run,…) gây ra suy thận;

2. Giảm số lượng nước tiểu (số lượng nước tiểu có thế vẫn bình thường ở một số bệnh nhân).

3. Sưng mắt cá hoặc bàn chân và tăng cân do giữ nước.

4. Chán ăn, buồn nôn, nôn, nấc cục, mệt mỏi, ngủ gà, lú lẫn.

5. Mội số triệu chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng như khó thở, đau ngực, co giật hoặc hôn mê, nôn ra máu và loạn nhịp tim do Kali máu cao.

6. Trong giai đoạn sớm của suy thận cấp, một số bệnh nhân không có triệu chứng và bệnh được phát hiện tình cờ khi tiến hành xét nghiệm máu vì các nguyên nhân khác.

Suy thận cấp là sự mất chức năng thận nhanh và tạm thời

Chẩn đoán

Chẩn đoán tổn thương thận cấp

Nhiều bệnh nhân tổn thương thận cấp không có triệu chứng đặc hiệu hoặc không có triệu chứng. Do đó, trong bất kỳ trường hợp hay tình trạng nào có nguy cơ xuất hiện tổn thương thận cấp, hay khi chỉ có một chút nghi ngờ về triệu chứng, luôn phải nghĩ tới và kiểm tra để phát hiện tổn thương thận cấp. Chẩn đoán được xác định nhờ xét nghiệm máu ( tăng Creatinin huyết thanh và Ure máu), đo số lượng nước tiểu, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm. Các bệnh nhân bị tổn thương thận cấp cần được khai thác kỹ tiền sử bệnh sử, thăm khám cẩn thận và tiến hành xét nghiệm thăm dò để tìm nguyên nhân, biến chứng và sự tiến triển của bệnh.

Điều trị tổn thương thận cấp

Với hầu hết bệnh nhân, xử lý phù hợp tổn thương thận cấp giúp bệnh nhân hồi phục.

Tuy nhiên, việc điều trị chậm trễ hay không đúng cách suy thận cấp nặng có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Triệu chứng của suy thận cấp là do cả nguyên nhân gây suy thận cũng như những tình trạng bệnh lý nặng của thận gây ra.
Các bước chính để xử lý tổn thương thận cấp:

1. Điều chỉnh hoặc điều trị nguyên nhân gây tổn thương thận

2. Thuốc và các biện pháp hỗ trợ

3. Chế độ ăn

4. Lọc máu

1. Điều chỉnh và điều trị nguyên nhân gây tổn thương thận:
  • Xác định và điều trị nguyên nhân tiềm ẩn là quan trọng nhất để xử lý tổn thương thận cấp.
  • Điều trị đặc hiệu các nguyên nhân tiềm ẩn như tụt huyết áp, nhiễm trùng, tắc nghẽn đường tiết niệu,… là cơ bản giúp phục hồi chức năng thận
  • Các liệu pháp ngăn ngừa thận bị tổn thương thêm và cho thận cơ hội hồi phục
2. Thuốc và các biện pháp hỗ trợ
  • Mục đích là hỗ trợ cho thận và ngăn ngừa hay điều trị các biến chứng.
  • Điều trị nhiễm trùng và tránh các loại thuốc gây độc cho thận ( ví dụ thuốc chống viêm không steroid).

Sử dụng thuốc lợi tiểu như furosemide làm tăng lượng nước tiểu và tránh tích lũy dịch trong cơ thể, đặc biệt là tại phổi - nguyên nhân gây khó thở.

Liệu pháp hỗ trợ: các loại thuốc được dùng để điều chỉnh huyết áp, kiểm soát buồn nôn và nôn, kiểm soát Kali máu, giảm khó thở và phòng chống hoặc kiểm soát co giật.

Suy thận cấp thường hồi phục hoàn toàn nếu điều trị đúng cách
3. Chế độ ăn
  • Chế độ ăn đúng giúp ngăn ngừa hay làm giảm triệu chứng hoặc biến chứng của tổn thương thận cấp.
  • Đo lượng dịch vào. Phải lập kế hoạch đưa dịch vào hàng ngày, luôn nhớ lưu lượng nước tiểu và tình trạng dịch cơ thể. Thông thường, hạn chế nước là cần thiết để tránh phù và các biến chứng như khó thở.
  • Hạn chế lượng Kali vào. Không ăn các loạn thức ăn giàu Kali như trái cây, nước trái cây, trái cây khô… để tránh tăng Kali máu - điều này rất nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng
  • Hạn chế lượng muối vào. Giảm muối giúp giảm khát nước, giảm phù và các biến chứng như tăng huyết áp và khó thở.
  • Cung cấp dinh dưỡng và năng lượng đầy đủ cân đối.
4. Lọc máu

Thay thế chức năng thận ngắn hạn bằng lọc máu (thận nhân tạo) có thể cần thiết cho một số bệnh nhân bị tổn thương thận cấp cho đến khi thận hồi phục được chức năng.

Lọc máu là gì?

Lọc máu là một quá trình nhân tạo để thay thế chức năng thận bị tổn thương. Lọc máu giúp duy trì cuộc sống cho nhiều bệnh nhân suy thận. Chức năng quan trọng nhất của lọc máu là loại bỏ các chất thải, dịch thừa và điều chỉnh nhiễm toan và rối loạn điện giải. Có hai kiểu lọc máu chính: thận nhân tạo và lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc).

Trong tổn thương thận cấp, thận thường phục hồi hoàn toàn nếu được điều trị đúng cách.

Suy thận cấp có thể hồi phục mà không cần lọc máu nếu được điều trị sớm và đúng cách bằng thuốc phù hợp.

Phòng ngừa

Khi nào cần lọc máu trong tổn thương thận cấp?

Lọc máu là cần thiết cho một số bệnh nhân bị tổn thương thận cấp mức độ nặng, khi các triệu chứng và biến chứng vẫn tiếp tục nặng lên mặc dù bệnh nhân đã được điều trị bảo tồn đầy đủ. Thừa dịch nặng, tăng Kali máu không kiểm soát được và nhiễm toan là những chỉ định thông thường nhất để lọc máu trong tổn thương thận cấp.

Cần lọc máu bao lâu trong trường hợp tổn thương thận cấp?

  • Một số bênh nhân tổn thương thận cấp cần lọc máu tạm thời (thận nhân tạo hay lọc màng bụng) cho đến khi chức năng thận hồi phục.
  • Bện nhân tổn thương thận cấp thường hồi phục trong vòng 1-4 tuần, trong khoảng thời gian này bệnh nhân có thể cần được lọc máu.
  • Lọc máu trong tổn thương thận cấp thường là tạm thời, do chức năng thận có thể phục hồi trong hầu hết các trường hợp. Trì hoãn lọc máu vì lo sợ phải lọc máu vĩnh viễn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trong tổn thương thận cấp.

Phòng ngừa tổn thương thận cấp

  • Điều trị sớm nguyên nhân tiềm tàng và thường xuyên kiếm tra chức năng thận.
  • Phòng ngừa tụt huyết áp và điều chỉnh ngay nếu có.
  • Tránh dùng các thuốc gây độc cho thận và điều trị ngay các bệnh nhiễm trùng và giảm lưu lượng nước tiểu
Bệnh nhân chỉ có nhu cầu lọc máu trong một vài ngày, nhưng trì hoãn lọc máu có thế nguy hiểm tính mạng