21: Thuốc và bệnh thận liên quan đến thuốc

Các thuốc giảm đau

Tổn thương thận liên quan đến thuốc là thường gặp.

Tại sao thận lại dễ bị tổn thương do độc tính của thuốc hơn so với các cơ quan khác của cơ thể?

Hai nguyên nhân quan trọng nhất gây tổn thương thận do thuốc là:

1. Thuốc bài tiết qua thận: thận là cơ quan chủ yếu tham gia đào thải thuốc và các chất chuyển hóa của thuốc. Trong quá trình đào thải, một số loại thuốc hoặc chất chuyển hóa của chúng có thể làm tổn thương thận.

2. Lưu lượng máu đến thận cao: Mỗi phút, 20% tổng cung lượng tim (1200 ml máu) được bơm đến thận để lọc. Trong các cơ quan, thận nhận được lượng máu tính theo kilogam cân nặng cao nhất. Do được cấp máu phong phú nên thuốc và các chất có hại được vận chuyển đến thận với số lượng lớn và trong thời gian ngắn. Điều này có thể gây tổn thương thận.

Các thuốc chính gây tổn thương thận

1. Thuốc giảm đau

Có nhiều loại thuốc giảm đau hạ sốt được bán tự do không cần đơn và được dùng khi đau người, đau đầu, đau khớp và sốt. Đây là những thuốc chủ yếu gây tổn thương thận.

Các NSAID là gì? Thuốc nào thuộc nhóm này?

Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) rất hay được dùng để giảm đau, hạ sốt và giảm viêm. Những thuốc này bao gồm aspirin, diclofenac, ibuprofen, indomethacin, ketoprofen, meloxicam, acid mefenamic, nimesulide, naproxen…

Thuốc giảm đau là nguyên nhân chính gây ra tổn thương thận do thuốc.

Các NSAID có gây tổn thương thận không?

Nhìn chung, các NSAID nếu được dùng đúng liều và có giám sát của bác sĩ thì sẽ an toàn. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là các thuốc này được xếp thứ hai sau kháng sinh nhóm aminoglycoside trong số các nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương thận do thuốc.

Khi nào các NSAID có thể gây tổn thương thận?

Nguy cơ tổn thương thận cao khi dùng các NSAID xảy ra trong trường hợp:

  • Sử dụng NSAID liều cao kéo dài không có giám sát của bác sĩ.
  • Sử dụng kéo dài nhiều loại thuốc phối hợp trong một viên (ví dụ, APC chứa aspirin, phenacetin và caffeine).
  • Dùng NSAID cho người cao tuổi, người bị suy thận, đái tháo đường hay mất nước.

Thuốc giảm đau nào an toàn cho bệnh nhân suy thận?

Paracetamol (acetaminophen) là thuốc giảm đau an toàn hơn các NSAID.

Nhiều bệnh nhân tim mạch được kê đơn aspirin suốt đời. Điều này có thể gây tổn thương thận không?

Vì aspirin dùng cho bệnh nhân tim mạch với liều thấp nên vẫn an toàn.

Thận đã bị tổn thương do các NSAID có thể hồi phục lại không?

Có và không.

Có. Tổn thương thận cấp do sử dụng các NSAID trong thời gian ngắn thường có thể hồi phục khi ngừng dùng NSAID và được điều trị đúng cách.

Tự điều trị bằng các thuốc giảm đau thông thường có thể là nguy hiểm.

Không. Nhiều bệnh nhân cao tuổi đau khớp cần dùng NSAID trong thời gian dài. Khi dùng liều cao liên tục trong một thời gian dài (nhiều năm), thuốc có thể gây tổn thương thận từ từ và tiến triển. Loại tổn thương thận này là không thể hồi phục. Những bệnh nhân cao tuổi cần dùng NSAID liều cao trong thời gian rất dài cần được hướng dẫn và được bác sĩ giám sát.

Làm thế nào để chẩn đoán được tổn thương thận từ từ nhưng tiến triển do dùng các NSAID lâu dài ở giai đoạn sớm?

Xuất hiện protein niệu là bằng chứng đầu tiên và duy nhất của tổn thương thận do các NSAID. Khi chức năng thận giảm, creatinine trong máu tăng lên.

Làm thế nào để phòng ngừa tổn thương thận do thuốc giảm đau?

Các biện pháp đơn giản để phòng ngừa tổn thương thận do thuốc giảm đau là:

  • Tránh sử dụng NSAID cho những người có nguy cơ cao.
  • Tránh sử dụng bừa bãi các thuốc giảm đau hoặc thuốc giảm đau bán tự do.
  • Khi cần dùng NSAID trong một thời gian dài, cần uống thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
  • Hạn chế liều và thời gian điều trị NSAID.
  • Tránh phối hợp các thuốc giảm đau trong thời gian dài.
  • Uống nhiều nước hàng ngày. Uống đủ nước rất quan trọng giúp duy trì việc cấp đủ máu cho thận và giúp tránh tổn thương thận.
Nguy cơ tổn thương thận do thuốc tăng lên ở bệnh nhân đái tháo đường, suy thận, mất nước hoặc tuổi cao.

Các thuốc nhóm Aminoglycoside

2. Các thuốc nhóm Aminoglycoside

Aminoglycoside là một nhóm kháng sinh thường được dùng trong thực hành và là nguyên nhân gây tổn thương thận thường gặp. Tổn thương thận thường xảy ra sau khi bắt đầu điều trị 7- 10 ngày. Chẩn đoán tình trạng này thường bị bỏ sót vì số lượng nước tiểu không thay đổi. Nguy cơ tổn thương thận do aminoglycoside cao hơn ở bệnh nhân cao tuổi, mất nước, người đã mắc bệnh thận từ trước, người thiếu kali và magiê, dùng thuốc liều cao kéo dài, dùng phối hợp với các thuốc có thể gây tổn thương thận khác, nhiễm khuẩn huyết, bệnh lý gan và suy tim xung huyết.

Làm thế nào để phòng ngừa tổn thương thận do aminoglycoside?

Các biện pháp để phòng ngừa tổn thương thận do aminoglycoside là:

  • Thận trọng khi sử dụng aminoglycoside ở những người có nguy cơ cao. Điều chỉnh hoặc loại bỏ các yếu tố nguy cơ.
  • Dùng aminoglycoside một lần mỗi ngày thay vì chia liều.
  • Sử dụng liều và thời gian điều trị aminoglycoside tối ưu.
  • Chỉnh liều khi có tổn thương thận từ trước.
  • Theo dõi liên tục creatinine huyết thanh cách ngày để phát hiện sớm tổn thương thận.
Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao, sử dụng aminoglycosid phải thận trọng & phải theo dõi creatinine huyết thanh liên tục để dự phòng tổn thương thận.

3. Thuốc cản quang tĩnh mạch

Tổn thương thận do thuốc cản quang là nguyên nhân gây suy thận cấp thường gặp ở những bệnh nhân điều trị nội trú và thường hồi phục. Những bệnh nhân đái tháo đường, mất nước, suy tim, có tổn thương thận từ trước, tuổi cao và sử dụng đồng thời các thuốc có khả năng gây tổn thương thận khác có nguy cơ cao bị tổn thương thận do thuốc cản quang tăng.

Có nhiều biện pháp khác nhau để phòng ngừa tổn thương thận do thuốc cản quang. Quan trọng nhất là dùng liều thấp nhất có thể, dùng các thuốc cản quang không ion hóa, duy trì đủ dịch trong cơ thể bằng cách truyền dịch tĩnh mạch, sử dụng bicarbonate natri và acetylcysteine.

4. Các thuốc khác

Các thuốc có thể gây tổn thương thận thường gặp khác là một số loại kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị lao...

5. Các loại thuốc khác

  • Người dân thường có quan niệm sai lầm rằng các loại thuốc có nguồn gốc tự nhiên (thuốc thảo dược, cây cỏ, thuốc bắc v.v…) và thực phẩm bổ sung là vô hại.
  • Một số loại thuốc thuộc các nhóm này có chứa kim loại nặng và chất độc có thể gây tổn thương thận.
  • Việc sử dụng một số loại thuốc thuộc nhóm này có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân suy thận.
  • Một số loại thuốc có hàm lượng kali cao có thể gây tử vong khi suy thận.\
Quan niệm cho rằng tất cả các thuốc có nguồn gốc tự nhiên luôn an toàn đối với thận là một điều rất sai lầm.