Trong bệnh thận mạn (BTM), chức năng thận giảm từ từ qua nhiều tháng, nhiều năm. Ở giai đoạn sớm của BTM, hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng vì cơ thể họ bù trừ và quen dần với các rối loạn chuyển hóa xuất hiện từ từ theo thời gian. Khi chức năng thận bị giảm nghiêm trọng, các triệu chứng do sự tích lũy các chất độc và dịch bắt đầu xuất hiện.
Những triệu chứng của bệnh thận mạn là gì?
Các triệu chứng của BTM biến đổi tùy thuộc vào mức độ nặng của tổn thương thận. BTM được chia thành 5 giai đoạn dựa vào mức độ chức năng thận hay mức lọc cầu thận (MLCT). Có thể ước tính MLCT dựa vào creatinine huyết thanh, giá trị bình thường ≥ 90 ml/phút.
Bệnh thận mạn giai đoạn 1 (chức năng thận còn 90-100 %)
Ở giai đoạn 1 của BTM, MLCT còn trên 90 ml/phút/1.73m2, nhưng đã có những bất thường trong xét nghiệm như có protein trong nước tiểu; có các tổn thương cấu trúc thận trên phim X-quang, siêu âm, MRI, hoặc CT scan; hoặc có tiền sử gia đình về bệnh thận đa nang. Các bệnh nhân thường không có triệu chứng.
Bệnh thận mạn giai đoạn 2 (chức năng thận còn 60-89%)
Ở giai đoạn 2 hay BTM mức độ nhẹ, MLCT từ 60 - 89 ml/phút/1.73m2. Bệnh nhân thường không có triệu chứng nhưng đôi khi có thể phàn nàn về việc tiểu nhiều lần đặc biệt về đêm, tăng huyết áp, các bất thường trong tổng phân tích nước tiểu với mức creatinine huyết thanh bình thường hoặc tăng nhẹ.
Ở giai đoạn sớm của BTM hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng.
Quỹ thận quốc gia - Sáng kiến chất lượng tiên lượng bệnh thận (NKF-KDOQI) Hướng dẫn Thực hành Lâm sàng cho Bệnh Thận Mạn
Bệnh thận mạn giai đoạn 3 (chức năng thận còn 30-59%)
Ở giai đoạn 3 hay BTM mức độ trung bình, MLCT từ 30-59 ml/phút/1.73m2. Bệnh nhân có thể vẫn không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng mức độ nhẹ. Có thể có các bất thường trong nước tiểu và creatinine huyết thanh tăng.
Tăng huyết áp nặng không kiểm soát ở người trẻ là một biểu hiện thường gặp của BTM.
Bệnh thận mạn giai đoạn 4 (chức năng thận còn 15-29%)
Ở giai đoạn 4 của BTM, MLCT từ 15-29 ml/phút/1.73m2. Các triệu chứng có thể nhẹ, mờ nhạt và không đặc hiệu, hoặc rất nặng, tùy thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn gây suy thận và các bệnh đi kèm.
Bệnh thận mạn giai đoạn 5 (chức năng thận còn dưới 15%)
Giai đoạn 5 là BTM mức độ rất nặng với MLCT < 15 ml/ phút/1.73m2. Đây còn được gọi là Bệnh Thận Giai đoạn Cuối. Các triệu chứng có thể từ trung bình đến nặng, với các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Mặc dù được điều trị, các triệu chứng của suy thận vẫn ngày càng tăng và hầu hết các bệnh nhân đều cần được lọc máu hoặc ghép thận.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh thận
- Mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn.
- Yếu, mệt, sụt cân.
- Phù chân.
- Phù mặt hoặc quanh mắt, đặc biệt vào buổi sáng.
- Tăng huyết áp, đặc biệt nếu ở mức độ nặng, không thể kiểm soát hoặc tăng huyết áp ở người trẻ.
- Nhợt nhạt.
- Khó ngủ, thiếu tập trung, chóng mặt.
- Ngứa, chuột rút hoặc luôn bồn chồn không thể ngồi yên.
- Đau mạng sườn.
- Tiểu nhiều lần đặc biệt về đêm (tiểu đêm).
- Đau xương và gãy xương ở người lớn và chậm phát triển ở trẻ em.
- Giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.
BTM là nguyên nhân quan trọng gây giảm hemoglobin không đáp ứng với điều trị.
Khi nào nên nghi ngờ BTM ở một người có tăng huyết áp?
Cần nghĩ tới BTM ở những người bị tăng huyết áp nếu:
- Tuổi dưới 30 hoặc trên 50 tại thời điểm chẩn đoán tăng huyết áp.
- Tăng huyết áp nặng tại thời điểm chẩn đoán (ví dụ trên 200/120 mmHg).
- Tăng huyết áp nặng không kiểm soát được kể khi đã điều trị thường xuyên.
- Có các rối loạn về thị giác.
- Có protein trong nước tiểu.
- Có các triệu chứng gợi ý BTM như phù, ăn không ngon, yếu,…
Những biến chứng của BTM giai đoạn muộn là gì?
Những biến chứng có thể gặp của BTM giai đoạn muộn là:
- Khó thở mức độ nặng và đau ngực do thừa nước quá nhiều trong phổi (phù phổi).
- Tăng huyết áp nặng.
- Nôn và buồn nôn rất nhiều.
- Rất yếu.
- Các biến chứng thần kinh trung ương: lú lẫn, rất buồn ngủ, co giật và hôn mê.
- Tăng Kali máu có thể làm tim không hoạt động được, gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Viêm màng ngoài tim, là tình trạng viêm của màng bao quanh tim (màng ngoài tim).
Yếu, ăn không ngon, buồn nôn và phù là các triệu chứng sớm thường gặp của BTM.
Chẩn đoán BTM
BTM thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Thông thường, BTM được chẩn đoán lúc ban đầu là khi phát hiện tăng huyết áp, tiếp đến là làm xét nghiệm máu thấy có tăng creatinine huyết thanh hoặc xét nghiệm nước tiểu thấy có albumin. Cần kiểm tra xem có bị BTM hay không nếu một người nào đó có nguy cơ cao bị các tổn thương thận (đái tháo đường, tăng huyết áp, cao tuổi, có tiển sử gia đình mắc BTM).
1. Hemoglobin
Mức hemoglobin thường thấp. Thiếu máu là do thận giảm sản xuất erythropoietin.
2. Xét nghiệm nước tiểu
Có albumin hoặc protein trong nước tiểu (còn gọi là albumin niệu hoặc protein niệu) là một dấu hiệu sớm của BTM. Chỉ cần có một lượng nhỏ albumin trong nước tiểu, gọi là microalbumin niệu, cũng có thể là dấu hiệu sớm nhất của BTM. Do protein niệu cũng có thể xuất hiện khi sốt hoặc lao động nặng, cần phải loại trừ các nguyên nhân khác gây protein niệu trước khi chẩn đoán BTM.
3. Creatinine huyết thanh, nitơ phi protein (urê) máu và MLCT ước tính
Một cách đo chức năng thận đơn giản và rẻ tiền là xét nghiệm creatinine huyết thanh. Cùng với tuổi và giới, mức creatinine huyết thanh được sử dụng trong nhiều công thức để ước tính chức năng thận hay mức lọc cầu thận - (MLCT ước tính). Theo dõi chỉ số creatinine huyết thanh định kỳ giúp đánh giá tiến triển và đáp ứng điều trị của bệnh nhân bị BTM. Dựa vào MLCT ước tính, BTM được chia thành 5 giai đoạn. Việc phân độ này rất có ích cho việc khuyến cáo thêm các xét nghiệm cần thiết và đưa ra hướng xử trí thích hợp.
Chỉ cần 3 thăm dò đơn giản để có thể bảo vệ thận của bạn: Kiểm tra huyết áp, xét nghiệm protein niệu và tính MLCT.
4. Siêu âm thận
Siêu âm thận là một thăm dò đơn giản, hiệu quả và rẻ tiền để chẩn đoán BTM. Hai thận teo là dấu hiệu giúp chẩn đoán bệnh thận mạn. Tuy nhiên, kích thước hai thận bình thường hoặc thậm chí là to cũng có thể gặp ở người bị BTM do một số nguyên nhân như bệnh thận đa nang, bệnh thận đái tháo đường và bệnh lắng đọng đọng bột. Siêu âm cũng giúp chẩn đoán BTM do tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc sỏi thận-tiết niệu gây ra.
5. Các thăm dò khác
Bệnh thận mạn gây rối loạn nhiều chức năng khác nhau của thận. Để đánh giá những rối loạn này, người ta thực hiện nhiều xét nghiệm khác nhau như: điện giải đồ và thăng bằng kiềm toan (Natri, Kali, Ma nhê, bicarbonat), xét nghiệm thiếu máu (hematocrit, ferritin, bão hòa transferrin, làm tiêu bản máu ngoại vi), bệnh xương (canxi, phospho, phosphatase kiềm, hormon cận giáp), các xét nghiệm chung khác (albumin huyết thanh, cholesterol, triglycerid, glucose máu và hemoglobin A1c), điện tâm đồ và siêu âm tim.
Hai thận bị teo bé lại trên siêu âm là dấu hiệu điển hình của bệnh thận mạn.
Khi nào bệnh nhân bị BTM cần liên hệ với bác sĩ?
Các bệnh nhân BTM cần liên hệ ngay lập tức với bác sĩ nếu thấy xuất hiện:
- Tăng cân nhanh không rõ lý do, giảm số lượng nước tiểu rõ rệt, phù lên nhanh, khó thở hoặc khó thở khi nằm trên giường phẳng
- Đau ngực, nhịp tim rất chậm hoặc rất nhanh.
- Sốt, tiêu chảy nặng, rất chán ăn, nôn nặng, nôn nhiều, nôn ra máu hoặc giảm cân không rõ lý do.
- Yếu cơ mức độ nặng mới xuất hiện.
- Xuất hiện lú lẫn, lơ mơ hoặc co giật.
- Huyết áp đang được kiểm soát ổn định trở nên khó kiểm soát.
- Tiểu đỏ hoặc chảy máu bất thường.